Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 81)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin mở trang 34, câu 38: Vấn đề chụp hình khi đang hộ niệm.
Đây là vấn đề thuộc về kỹ thuật, không có gì khó hiểu, nhưng cũng xin nhắc nhở cho chúng ta cùng biết qua.
(a): Tốt nhất là không cho phép chụp hình, vì chụp hình sẽ có tiếng động và đèn chớp dễ làm động tâm người bệnh và đại chúng.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Thường thường khi hộ niệm chúng ta không nên chụp hình, vì chụp hình dễ gây ra tiếng động có thể làm cho bệnh nhân giật mình và nhiều người bị động tâm, ảnh hưởng đến sự nhiếp tâm niệm Phật. Hơn nữa, chính ánh đèn chớp của máy hình khuấy nhiễu sự thanh tịnh của đại chúng. Vì thế, tốt nhất, không cho phép chụp hình.
(b): Tối kị nhất là giai đoạn lâm chung, ánh chớp và tiếng động của máy chụp hình có ảnh hưởng rất xấu đối với người bệnh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đúng đấy. Khi người bệnh đang lâm chung mà chụp hình thì ánh đèn chớp tạo cảm giác rất khó chịu cho người bệnh. Ngoài ra tiếng động của máy chụp hình quấy nhiễu sự nhiếp tâm, thật sự hoàn toàn không tốt. Vậy thì, chụp hình nhất định cần phải ngăn cấm.
(c): Cần hỏi qua người bệnh nếu họ không phiền não thì có thể chụp hình lưu niệm được.
Đúng hay sai? – (Sai). Đây là qui tắc bảo vệ an toàn cho sự vãng sanh, không nên uyển chuyển. Lúc đó mà còn hỏi người bệnh những chuyện bên ngoài làm họ bị phân tâm, nếu họ có đồng ý cũng chưa chắc là điều chính xác. Hơn nữa, phá vỡ qui luật cấm sẽ trở thành tiền lệ sai lầm về sau. Vậy thì, tốt nhất là vấn đề chụp hình nên cấm hẳn.
Câu 39: Vấn đề quay video khi đang hộ niệm.
(a): Có thể quay video để làm tài liệu học tập, vì quay video không tạo tiếng động, không lóe ánh sáng.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Thường thường các cuộc hộ niệm được người ta quay lại thành những đoạn video lưu thông khắp nơi, đã trở thành những tài liệu quí báu chứng minh hiện tượng niệm Phật vãng sanh. Quay video không ảnh hưởng xấu đến vấn đề hộ niệm, vì kỹ thuật quay video không có lóe đèn chớp, không gây nên tiếng động như đứng lên, ngồi xuống để chụp từng tấm hình. Hiện nay khoa học kỹ thuật tiến bộ, nhiều máy video tuyệt hảo, gọn nhẹ, giúp cho người quay âm thầm thực hiện tư liệu thật im lặng, không gây xáo trộn đến đại chúng. Một người chỉ cần dùng một điện thoại thông minh, lặng lẽ đứng trong một góc phòng quay lại tất cả mọi sinh hoạt suốt buổi hộ niệm mà mọi người không hay biết.
Như vậy nên khuyến khích quay video để làm tài liệu chứng minh về sự vãng sanh là điều tốt. Hơn nữa, nhờ các đoạn video giúp cho các ban hộ niệm có thể tự kiểm điểm lấy những sơ sót của chính mình, nhất là những lúc khai thị hướng dẫn, như nội dung, tâm lý, âm giọng, cử chỉ, ánh mắt, v.v… và những clip video nên lưu lại để làm tư liệu học tập cho người hộ niệm sau này.
(b): Người quay không được dùng đèn pha chiếu vào thân xác hoặc lấn tới trước người hộ niệm để quay.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đúng đấy. Bây giờ bắt đầu nói về qui luật cho người nào muốn quay video đây. Không cấm quay video, nhưng người cầm máy quay phim phải cẩn thận nghe theo lời dặn dò của ban hộ niệm. Tốt nhất chư vị nên nhẹ nhàng tìm một vị trí nào phía sau người hộ niệm để lẳng lặng mà quay, không được quyền lấn lên phía trước, hoặc đến gần bên người bệnh để tạo những thước phim có tính chuyên nghiệp. Có nhiều nơi sơ ý, mời cả ban chuyên nghiệp tới quay phim. Người thì vát máy, người thì cầm đèn, người thì kéo dây điện lê lết trên mặt đất, lấn trước người hộ niệm để tạo những thước phim có chất lượng. Điều này nhất định không thể được.
Không được phép chụp hình vì dễ gây ra tiếng động, mỗi lần chụp hình phải đứng lên ngồi xuống dễ gây sự xáo trộn, thì người quay phim kéo dây điện, vát máy, rọi đèn còn ảnh hưởng tệ hại hơn nữa. Vì thế, mọi sự di chuyển không phù hợp với Pháp Hộ-Niệm nhất định phải nghiêm cấm.
Những clip video là những tư liệu để chứng minh cho sự hộ niệm vãng sanh, và phổ biến sẽ rất lợi lạc, tạo được niềm tin cho đại chúng và cũng là tài liệu sống động để những ai muốn học tập về hộ niệm. Tuy nhiên, chúng ta phải gìn giữ qui luật về hộ niệm, không được sơ ý vi phạm, thì mới có cơ duyên cứu người vãng sanh. Đây là điều tối quan trọng. Người quay phim trong một cuộc hộ niệm tuyệt đối phải nghiêm chỉnh thực hiện các điều cấm sau đây:
- Không được mở đèn rọi vào thân xác người bệnh, dù còn sống hay đã tắt hơi.
- Không được lấn qua trước mặt người hộ niệm để quay video.
- Không được di chuyển nhiều gây xáo động đến đại chúng đang niệm Phật.
- Không được tự động phỏng vấn người bệnh.
- Không được nói chuyện riêng hay cười giỡn trong phòng hộ niệm.
Cứu huệ mệnh một người vô cùng quí báu, nhưng lại quá khó khăn, xin chư vị quay phim thông cảm sâu xa và vui lòng chấp nhận qui luật này, để cho cuộc hộ niệm tránh bị trở ngại. Cụ thể, nên đứng im một chỗ thích hợp nào đó rồi lặng lẽ quay, tuyệt đối không nên mở đèn, không gây tiếng động, nhất là trường hợp người bệnh đang lâm chung.
(c): Được phép quay nhưng phải tuân theo sự cố vấn của ban hộ niệm. Người quay không được gây tiếng động hoặc đi lại quá nhiều.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Một người muốn quay phim, bạn đồng tu hay thành viên trong ban hộ niệm muốn quay video, ban hộ niệm cũng cần nên dặn dò cẩn thận trước để tránh những sơ suất đáng tiếc xảy ra. Ví dụ, trong quá khứ có lần người quay phim bất ngờ vát máy lên phía trước quay thật sát vào mặt người bệnh. Có trường hợp người quay phim kéo dây điện qua giường người bệnh để quay cảnh hộ niệm. Có người quay phim còn lên tiếng phỏng vấn người đang hộ niệm, hỏi han người bệnh để thực hiện những tài liệu phóng sự. Nhất định phải cấm hẳn những chuyện này. Tất cả đều phải dặn dò trước và người muốn quay phim phải chấp nhận qui luật này vậy.
Ban hộ niệm chú ý nhắc nhở gia đình phải bảo vệ trật tự cho buổi hộ niệm, không cho phép bất cứ một người nào đi qua trước mặt người hộ niệm để thăm hỏi hay an ủi người bệnh. Phải nhớ rõ điều này, hạn chế tối đa bạn bè thân hữu trực tiếp nói chuyện với người bệnh là qui luật của Pháp Hộ-Niệm, nhất định phải thực hiện nghiêm chỉnh. Ngay cả thân nhân trong gia đình cũng phải tôn trọng qui tắc này, không được tự do đi qua đi lại làm xáo trộn trong lúc hộ niệm.
Ban hộ niệm nên cắt cử người hộ thất để giải quyết những khó khăn bất ngờ, hướng dẫn bà con thân nhân sinh hoạt tốt, nhất là nên chú ý đến những người trong gia đình yếu lòng, có thể khi nhìn thấy cảnh thương tâm sanh tử biệt ly mà cầm lòng không được, họ bất ngờ nhào vô ôm nắm, kêu gào, than khóc gây đỗ vỡ cả cơ hội vãng sanh của người bệnh.
(d): Chỉ được quay khi người bệnh còn sống, tắt hơi rồi thì không được quay.
Đúng không chư vị? – (Sai). Quay phim, quay video nên tìm một vị trí thích hợp, không cản trở việc hộ niệm, không di chuyển qua lại quá nhiều, không rọi đèn, không mở máy quạt, không gây tiếng động, thì quay phim có thể được phép ngay cả lúc người bệnh còn sống hay đã tắt hơi ra đi.
Nói chung, quay phim không phải là điều cấm kị, có thể đặt chiếc máy trên một hệ thống chân đứng cho vững vàng rồi lặng lẽ quay, được vậy thì không ảnh hưởng đến việc hộ niệm. Nhưng dù sao người quay phim phải chú ý làm đúng theo sự hướng dẫn của ban hộ niệm mới được. Còn chuyện chụp hình thì tốt nhất nên cấm hẳn, vì mỗi lần muốn chụp một tấm hình thì phải cầm máy đưa lên, mở máy, thao tác, ngắm nghía, xoay qua chuyển lại, máy hình lóe sáng, thường có tiếng động, v.v… rất dễ gây xáo trộn, động tâm đến đại chúng, nhất là lúc người bệnh đang lâm chung sẽ bị ảnh hưởng khá tệ hại.
Đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, dễ hiểu, không có đạo lý gì cao siêu cả. Nhưng mong chư vị cũng cần nên chú ý thực hiện tốt, để giảm thiểu sơ suất, tăng phần thành tựu khi hộ niệm vậy.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.