Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 82)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 34 hàng cuối cùng: Vấn đề sử dụng pháp khí khi hộ niệm.
Đây là những điều cụ thể, có tính kỹ thuật, chúng ta không cần phải mổ xẻ sâu.
(a): Bất cứ pháp khí nào cũng đều có thể được dùng để hộ niệm khi cần.
Đúng không chư vị? – (Sai). Pháp khí gồm có: mõ, chuông, địa chung, tang, khơ, trống, v.v… Những pháp khí này không thích hợp trong lúc hộ niệm. Dùng nhiều pháp khí trong cuộc hộ niệm biến thành một lễ đàn, không tốt.
(b): Dùng khánh là thích hợp nhất cho việc hộ niệm vì tiếng khánh thanh, trợ giúp thêm sự tỉnh táo.
Đúng không? – (Đúng). Đúng như vậy. Khánh là pháp khí thích hợp duy nhất có thể dùng để giữ nhịp. Trong các tài liệu hộ niệm chư Tổ có dạy điều này. Tiếng khánh thanh và vang, ít làm người bệnh khó chịu và giúp tinh thần dễ tỉnh táo. Cho nên chúng ta có thể dùng khánh để hộ niệm, khởi đầu, giữ nhịp và chấm dứt niệm Phật rất tốt.
(c): Nhiều người bệnh không thích tiếng khánh thì ta có thể dùng pháp khí khác thay thế cũng được.
Đúng không chư vị? – (Sai). Thật ra pháp khí không phải là vấn đề quan trọng trong Pháp Hộ-Niệm. Nếu người bệnh không thích thú nghe tiếng khánh thì chúng ta không nên dùng khánh là được, chứ không bắt buộc phải tìm cho có một pháp khí khác để thay thế. Tiếng khánh chủ yếu là để đánh thức người bệnh, giữ nhịp và làm ký hiệu chấm dứt niệm Phật cho tiện, chứ thực sự không quá cần thiết trong một buổi hộ niệm. Tất cả những việc như giữ nhịp, chấm dứt, bắt đầu… chúng ta có thể tự ra dấu cho nhau cũng được. Điều quan trọng của một buổi hộ niệm là khai thị, tâm tình, hướng dẫn, vỗ tay động viên tinh thần người bệnh, giúp họ hóa giải những vướng mắc hầu vượt qua những khó khăn, để họ giữ vững niềm tin, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Hộ niệm không phải là một lễ đàn, hay một pháp hội, nên chúng ta không cần chú ý nhiều đến pháp khí.
(d): Được dùng khánh để giữ nhịp niệm Phật, nhưng cần theo dõi phản ứng của người bệnh, nếu họ không thích lắm thì cũng không nên dùng.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Có nhiều người không thích tiếng khánh, hoặc chưa quen với tiếng khánh thì chúng ta không nên dùng khánh. Hơn nữa, nếu có dùng khánh, thì người sử dụng khánh cần tập cho nhuần nhuyễn một chút mới tốt, tránh tiếng khánh lúc tịt lúc vang, lúc trầm lúc bỗng, lúc lớn lúc nhỏ, nhanh chậm bất thường… cũng dễ gây nên cảm giác khó chịu cho người bệnh và quấy nhiễu sự thanh tịnh của đại chúng. Vì thế, khi dùng khánh, người hộ niệm cần nên chú ý, nếu thấy người bệnh phản ứng không thoải mái lắm, thì tốt nhất chúng ta nên ngừng khánh. Còn nếu người bệnh vui vẻ, phấn khởi thì người hộ niệm tiếp tục dùng tiếng khánh hầu thuận lợi trong việc giữ nhịp cho đại chúng niệm Phật, tránh bớt được tình trạng loạn nhịp. Xin nhớ điều này, khi nhiếp tâm niệm Phật, đại chúng thường có khuynh hướng càng lúc càng niệm nhanh hơn. Nếu không nhờ tiếng khánh giữ đều, nhiều khi tốc độ niệm tăng nhanh quá, làm cho người bệnh niệm theo không nổi mà khó nhiếp tâm được vậy.
Cũng có đôi lúc cần đến sự niệm Phật mạnh mẽ, thì tiếng khánh sẽ hỗ trợ rất tốt, làm cho tinh thần mọi người mạnh lên.
Nói chung, tiếng khánh có thể dùng để điều khiển buổi hộ niệm khá thuận tiện. Tuy nhiên cần phải chú ý đến phản ứng của người bệnh, nếu thấy người bệnh có cảm giác không được thoải mái, thì không nên dùng khánh vậy.
(e): Được dùng khánh, nhưng người sử dụng cần chú ý đừng để tiếng khánh lúc lớn lúc nhỏ, lúc đục lúc trong, lúc tịt lúc vang…
Đúng không chư vị? – (Đúng). Điều này cần sự điêu luyện của người cầm khánh. Xin mách cho chư vị một kinh nghiệm nhỏ này, ở đầu mũi dùi đánh khánh có một đoạn lớn để đánh. Hãy chia đoạn này làm 3 phần. Nếu đánh ở vị trí phần ba cao nhất ở gần chóp của dùi khánh, thì tiếng khánh sẽ thanh và đôi lúc nghe chát tai. Đánh ở phần ba thấp nhất, xa đầu mũi, thì tiếng khánh sẽ trầm ấm và vang hơn.
Tiếng khánh thanh hoặc trầm đều có điểm mạnh của nó, tốt hay xấu còn tùy theo sở thích của từng người. Tuy nhiên hầu hết nhiều người đều thích âm thanh trầm và vang hơn là chát chúa. Chính vì vậy, chúng ta nên đánh khánh ở vị trí phần ba phía dưới, xa đầu chóp, để có tiếng khánh trầm và vang thì nghe hay hơn, tạo cảm giác dễ chịu hơn. Không nên dùng đầu chóp của dùi để đánh, vì tiếng khánh phát ra quá thanh và đôi khi trở thành quá chát, dễ gây cảm giác khó chịu cho người bệnh và đại chúng, giảm mất sự thanh tịnh.
(f): Nếu người bệnh thường xuyên bị hôn trầm, dùng khánh đánh vài tiếng bên tai có thể giúp họ tỉnh táo trở lại.
Đúng không? – (Đúng). Thực sự có nhiều người bị tình trạng hôn trầm. Bình thường thì họ khá tỉnh táo, nhưng hễ ngồi xuống niệm Phật thì nhanh chóng rơi vào trạng thái hôn trầm. Những người bị tình trạng này lúc đau bệnh hay lâm chung, hộ niệm cho họ sẽ khó khăn vô cùng. Cái tập khí hôn trầm mà họ đã sơ ý huân tập quá lâu rồi, giờ đây đã trở thành một thứ phản xạ tự nhiên, hễ ngồi xuống thì gục, nằm xuống thì ngủ. Bị chìm vào trạng thái thùy-miên, thì đành chịu thua, khó bề hộ niệm được vậy.
“Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy” gọi là “Ngũ Dục”, là 5 thứ ô trọc cản ngăn con đường giải thoát của người tu hành, thì “Thùy” chính là “Thùy-Miên”, hay còn gọi là “Hôn-Trầm”. Phật xếp sự ngủ gục này là một trong 5 điều tai hại cần phải phá bỏ. Mong những người có sự chướng ngại này mau mau khắc phục. Phải kiên trì, dũng mãnh, phải dùng đến ý chí kiên cường để thắng tập khí này hầu tìm cầu cơ hội thoát nạn. Đừng để tập khí lấn lướt mà tương lai rất dễ bị khổ nạn.
Tiếng chuông, tiếng khánh có thể giúp một người hôn mê, hoặc đang hôn trầm tỉnh lại. Nhưng tỉnh lại cần phải kéo dài sự tỉnh thức mới tốt, chứ vừa tỉnh lại được một vài giây, thì liền rơi vào hôn trầm trở lại, thì thật là khó khăn lắm, nhiều lúc đành chịu thua đấy. Tiếng khánh đâu có năng lực gì cứu vãn được ách nạn của mình?
Vì vậy, những người ngủ tốt, chưa chắc gì thực sự tốt. Ngài Thiện Đạo Đại Sư vì quyết lòng khắc chế sự hôn trầm để tỉnh thức niệm Phật, vô tình 25 năm trường Ngài không ngủ một giờ nào, vậy mà thể chất vẫn tốt, tinh thần càng ngày càng sung mãn. Thật tuyệt vời, bất khả tư nghì.
Trước đây mấy năm Diệu Âm có biết một người, cô ta là một tiếp viên hàng không, thường xuyên đi ngoại quốc. Cô cho biết rằng, hơn 20 năm qua cô chưa từng ngủ qua một giờ nào hết. Chư vị có tin không? Cô đã có gia đình và có con. Đầu tiên thì cô và chồng con lo lắng vô cùng về tình trạng này, đã tìm mọi cách chữa trị, nhưng vẫn không ngủ được. Lâu dần thì quen đi. Đặc biệt là cô cảm thấy sức khỏe vẫn bình thường, tinh thần vẫn sung mãn. Cô email đến hỏi Diệu Âm về tình trạng này. Diệu Âm trả lời rằng, hơn 20 năm qua cô không ngủ được, nhưng sức khỏe vẫn bình thường, tinh thần vẫn sung mãn, thì bây giờ không ngủ nữa cũng đâu có gì trở ngại mà lo sợ. Thể chất của cô không cần ngủ nghỉ, thì cô hãy tiếp tục vui vẻ, thoải mái sống theo tình trạng thích ứng của riêng mình đi.
Qua email cô có gởi cho Diệu Âm một tấm hình, chụp với bộ y phục một tiếp viên hàng không, trông rất xinh xắn. Cô nói, mỗi lần đi ra ngoại quốc, cả phi hành đoàn đều vào khách sạn nghỉ ngơi, riêng cô thì cầm máy chụp hình đi dạo chơi khắp nơi, trước giờ bay thì trở về phục vụ. Hai mươi năm qua không ngủ, chắc có lẽ rằng bây giờ cô cũng tiếp tục không ngủ được. Thật là một chuyện lạ lùng khá hi hữu, nhưng lại có thực. Diệu Âm tin tưởng đây là sự thực, vì lời thư viết rất cảm động, rất chân thành và tha thiết xin được Diệu Âm cho một lời khuyên.
Phật dạy, tất cả đều do tâm tạo. Một người bị mất ngủ mà ngày đêm lo lắng về mất ngủ thì tình trạng sẽ càng tệ hại hơn. Một người không ngủ được, nhưng lại vui vẻ thoải mái, biết lợi dụng sự mất ngủ để niệm Phật, thì có lẽ sức khỏe vẫn được bình thường, pháp hỉ càng ngày càng sung mãn. Có những vị Tổ Sư đã tinh tấn niệm Phật mà tiến tới chỗ mấy chục năm quên ngủ, nhưng sức khỏe của các Ngài vẫn tốt. Thật là một công phu bất khả tư nghì!
Tuy nhiên, đây chỉ là chuyện đặc biệt khế hợp riêng của cá nhân. Là hàng phàm phu, chúng ta chớ nên hiếu kỳ, học đòi theo những hiện tượng đặc biệt sẽ không tốt đâu nhé. Hãy sống bình thường, hợp theo tự nhiên là tốt nhất vậy.
(g): Có thể dùng địa chung, hoặc dùng chuông và mõ kết hợp thành địa chung để hộ niệm.
Đúng hay sai chư vị? – (Sai). Xin thưa với chư vị, tiếng mõ có thể làm người bệnh tỉnh lại, nhưng không thích hợp để hộ niệm, vì tiếng mõ có biên độ sóng rất cao và rất sắc, thường dội vào tai người bệnh quá mạnh, khiến cho người bệnh có cảm giác khó chịu, nhức đầu. Tiếng chuông cũng cao nhưng âm hưởng nhẹ nhàng, thanh thoát hơn, giúp cho người bệnh tỉnh táo lại nhưng êm dịu hơn tiếng mõ. Trong Pháp Hộ-Niệm có thể dùng khánh giữ nhịp niệm Phật, nhưng cũng cần chú ý phản ứng của người bệnh.
Còn việc dùng địa chung chỉ thích hợp trong lúc cộng tu, chứ hoàn toàn không thích hợp để hộ niệm. Hộ niệm nên dùng tiếng niệm nguyên chất, theo trung đạo, rõ ràng để người bệnh nương đó mà niệm theo. Sử dụng địa chung niệm theo âm điệu nhanh nhanh sẽ không tốt cho người bệnh đang trong cơn yếu đuối.
(h): Tang, khơ, chuông, mõ và trống là đủ bộ pháp khí của pháp cộng tu, có thể kết hợp để hộ niệm được.
Đúng không? – (Sai). Nói chung, pháp khí không nên sử dụng, ngoại trừ tiếng khánh. Có người ứng dụng pháp “Tam Thời Hệ Niệm” để hộ niệm cũng không đúng. Mỗi pháp đều có chủ đích riêng, xin chư vị chớ nên lầm lẫn. Đôi khi cũng có những trường hợp đặc biệt do người bệnh thích ứng yêu cầu thì có thể uyển chuyển. Ví dụ như thích có tiếng mõ, thì người hộ niệm có thể dùng mõ để cho người bệnh này được vui vẻ niệm Phật, nhưng nếu có phát hành video, chư vị phải ghi chú rõ ràng rằng, đây chỉ là trường hợp riêng biệt, chứ không phải là qui luật hộ niệm, đừng để đại chúng hiểu lầm.
(i): Được dùng khánh nhưng chỉ dùng ban ngày không được dùng ban đêm.
Đúng không? – (Sai). Được dùng khánh để giữ nhịp, thì ban ngày và ban đêm đều dùng được. Có người nghĩ rằng, dùng khánh ban đêm thì chư Quỉ Thần sẽ tới. Xin thưa với chư vị rằng, nếu chư Quỉ Thần thích tiếng khánh mà tới, thì các Ngài đó biết tu, các Ngài tới niệm Phật cùng hộ niệm với chúng ta chứ có chi lo ngại. Khi hộ niệm thông thường chúng ta có điều giải oán thân trái chủ, cùng chư vị trong pháp giới hữu duyên. Nếu chúng ta chân thành khẩn nguyện, có thể làm cho những vị đó cảm động, giác ngộ mà cùng niệm Phật cầu vãng sanh, nhiều khi các Ngài vãng sanh thành đạo trước mình đấy.
Cho nên, người chân chánh tu hành đừng nên lo sợ viễn vong, đừng bao giờ đánh giá chư vị trong pháp giới là ma là quỉ mà tạo duyên chẳng lành, không tốt. Chính sự lo sợ viễn vong làm cho tâm hồn bất an, tinh thần yếu đuối đi mà dễ sinh ra trầm cảm, bị khủng bố. Đây là do tự mình gây chướng ngại cho chính mình đó thôi. Hãy đem lòng chân thành mà giúp đỡ nhau, khuyến tấn nhau cùng phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh. Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh. Người chân chánh tu hành phải coi chúng sanh đều là Phật, thì tự nhiên tâm hồn mình sẽ an tịnh vậy.
Người tu học Phật nên lấy tâm từ bi thương yêu mà đối xử với nhau. Thấy chúng sanh khổ nạn chúng ta nên thương xót, tìm phương giúp đỡ họ. Cụ thể khi đi hộ niệm, gặp trường hợp người bệnh bị oán thân trái chủ nhập thân phá hoại, xin chư vị đừng nên lo sợ. Họ chỉ là những nạn nhân từ sự mê mờ của người bệnh gây ra mà thôi. Họ đau khổ lắm! Hãy thương hại thay vì sợ sệt họ. Hãy thông cảm thay vì oán ghét họ. Hãy đem lòng từ bi chân thật mà điều giải, khuyên nhủ giúp họ nhìn thấu sự vô thường khổ nạn, tỉnh ngộ đường giải thoát mà buông oán thù, buông chấp trước ra, cùng nhau niệm Phật cầu vãng sanh thoát vòng đọa lạc. Hãy thành tâm kính cẩn khuyên nhủ, thật sự có nhiều trường hợp chư vị đó giác ngộ mà vãng sanh trước người bệnh đấy. Thực sự đấy, họ hiền lắm, chỉ vì quá khổ mà thành ra oán thù, chứ không phải hung hiểm như nhiều người lầm tưởng đâu.
Xin đưa ra một ví dụ cụ thể để suy nghiệm. Như người bệnh chúng ta đang hộ niệm đây, nếu khi ra đi mà tâm hồn mê muội vẫn dễ dàng rơi vào cảnh giới khốn khổ đó mà chịu nạn. Một người chỉ vì mê mà chịu nạn, để bị con người nguyền rủa là ma là quỉ. Cũng là người đó mà biết vâng lời, biết giác ngộ niệm A-Di-Đà Phật cầu A-Di-Đà Phật lai nghênh tiếp dẫn, thì họ được Phật tiếp độ về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo. Rõ ràng thành ma quỉ hay thành Phật cũng là người đó. Đi xuống tam ác đạo chịu nạn, hay sanh về những cảnh trời hưởng phước cũng là người đó. Chỉ khác nhau ở điểm mê hay ngộ mà thôi. Mê muội thì đọa lạc, giác ngộ thì giải thoát.
Sự giác ngộ viên mãn nhất chính là quyết lòng xả bỏ trần lao, niệm A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, một đời thành tựu đạo quả.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.