Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 36) | Những Gì Có Thể Làm Được Khi Hộ Niệm? Những Gì Có Thể Làm Được Khi Hộ Niệm? Đ

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 36)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin chư vị mở trang 19, câu 17: Những gì có thể làm được khi hộ niệm?

Những người biết hộ niệm rồi thì câu này đơn giản, còn người chưa biết hộ niệm thì câu này quan trọng, vì trước giờ có nghe qua về hộ niệm, nhưng không biết khi hộ niệm là làm gì đây? Trong chương này sẽ đưa ra một số vấn đề rất cụ thể cho chư vị biết qua.

Trả lời (a): Giúp người bệnh vượt thoát nhiều cạm bẫy hiểm nghèo, tránh bị khủng hoảng hay sợ hãi khi lâm chung.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Đấy, mới giới thiệu một câu này thôi là mình thấy thấm thía rồi đấy. Một người phàm phu như chúng ta khi sắp sửa lìa đời, sẽ rơi vào những cảnh vô cùng hãi hùng. Thân thể thì đau nhức, gia sự thì bề bộn, oán thân trái chủ chập chùng… dễ bị khủng hoảng lắm chư vị ơi!… Nếu có người biết đạo ở bên cạnh hướng dẫn, là cả một ơn huệ vô cùng to lớn. Người hộ niệm có thể giúp cho người bệnh đang trong cơn khổ nạn đó vượt thoát những cạm bẫy hiểm nghèo. Bây giờ mình nghe nói đến cạm bẫy này, cạm bẫy nọ… chứ chính mình không tưởng tượng ra được cái cạm bẫy như thế nào đâu, phải không?

Người đang đối diện sự chết, tức là khi lâm chung đó, họ sẽ đối diện với những cạm bẫy này, nhưng khi đối diện với sự thực rồi thì cũng đành chịu thua, đành buông tay chịu nạn! Nhưng nếu có người hộ niệm tới giúp đỡ thì họ có thể giúp cho người bệnh vượt qua những cạm bẫy này. Cạm bẫy gì đây? Ví dụ như hôm qua mình nói, nhiều người khi lâm chung, thường trước những giờ phút ra đi người ta thấy ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc… đến giúp đỡ họ, nhiều lắm đấy. Hầu hết ai cũng gặp phải, không cách nào trốn thoát đâu. Đây chính là một vài cạm bẫy đơn giản nhất mà người khi ra đi thường gặp. Vì không biết, nên thường khi thấy ông bà, cha mẹ đến thì nhiều người mừng vui, hoan hỷ tiếp nhận. Có nhiều người đơn giản nghĩ rằng: À!… Người bệnh mệt mỏi, thường thường nằm mê sản thấy này thấy nọ là chuyện bình thường, đâu có gì quan trọng. Nhưng thực ra, coi chừng đây là những cạm bẫy vô cùng nguy hiểm! Nếu người nào biết hộ niệm, thì tự nhiên giải quyết được dễ dàng. Khi đến vấn đề này, chúng ta sẽ bàn kỹ sau.

Người thế gian tới ngày giỗ kỵ ông bà, thường đứng thắp nhang, khấn nguyện như vầy:

– Ông bà có linh thiêng thì về đây giúp đỡ cho con, gia trì cho con mua mau bán đắc, an khang tráng kiện, thân thể khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi…

Vì tâm mình khấn cầu như vậy, mà chư oán thân trái chủ nắm vững ước nguyện của mình, họ chờ dịp thuận lợi ứng hiện ra mà lừa gạt, dẫn dắt mình vào ba đường ác để trả thù. Có nhiều người bị hiện tượng này 3 năm, 2 năm, 1 năm trước khi chết là chuyện bình thường. Còn 1 tháng, 2 tháng, 1 tuần, 2 tuần trước khi ra đi thì quá nhiều, quá nhiều. Sợ quá! Sợ quá!… Không biết thì cứ tự nhiên chờ ngày sập bẫy. Biết rồi cần phải đề phòng, tránh sơ suất này đi. Đây là cái cạm bẫy đơn giản nhất, thô tháo nhất, và thường gặp nhất. Xin nhắc nhở cùng chư vị.

Tránh bị khủng hoảng hay sợ hãi khi lâm chung”. Tại sao bị khủng hoảng? Xin thưa thẳng, vì nhiều đời nhiều kiếp mình sát sanh hại vật nhiều quá. Những món nợ về sanh mạng, họ thề đòi trả bằng sanh mạng, các vị oán thân trái chủ họ căm thù, oán hận mình thấu đến xương tủy, nhất định họ chờ ngày để thanh toán. Trong lúc mình còn khỏe thế này, người ta không làm được gì, nhưng đến khi thân tàn sức kiệt, họ mới hợp sức ra tay, lúc đó sẽ thấy!…

Xin thưa với chư vị, khi mà họ ra tay thì nhắm tới làm cho tinh thần của người chết bị mê mệt, bị khủng hoảng, bị kinh hoàng, là họ đã thành công, vì một khi tâm thần hãi kinh rối loạn thì nhất định bị lôi vào ba đường ác chịu nạn, không còn đường nào khác để lựa chọn. Họ đã trả được thù rồi vậy. Nếu may mắn, người đó được ban hộ niệm như lý như pháp đến trợ duyên, họ khai thị, giúp đỡ, khuyến tấn, khuyên người bệnh đừng chạy theo những hiện tượng hão huyền nữa, mà nên thành tâm sám hối lỗi lầm, khuyên niệm Phật cầu Phật gia trì, thì tự nhiên thoát nạn.

Chư vị thấy đó, hộ niệm vô cùng quan trọng, vô cùng quan trọng. Rất nhiều người cứ nghĩ rằng: “À!… Lo niệm Phật cho nhất tâm bất loạn, tự tại ra đi, cần gì cứ đứng đó chờ đến hộ niệm”. Có đấy. “Nhất-Tâm Bất-Loạn” tự tại ra đi có đấy. Nhưng 1.000 người tu hành, tìm đâu ra được 1 người, 2 người được vậy. Dễ gì!… Còn 999 người kia đi đâu rồi? Bị nạn phải không? Chính nhờ hộ niệm giải quyết cho 999 người kia đấy. Mong chư vị chú ý cho kỹ.

Câu (b): Hướng dẫn người bệnh phát nguyện vãng sanh ngắn gọn cho dễ nhớ.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Hàng ngày chúng ta tu ở đây, thường nguyện câu:

Nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ trung,

Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu

Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh

Bất thoái Bồ-Tát vi bạn lữ.

Ồ!… Dài quá! Xin thưa với chư vị, trong thời khóa tu tập, mình phải nguyện thống nhất với đại chúng là đúng. Chứ lúc tới thời điểm ra đi rồi, chúng ta nguyện như vậy không nổi đâu. Khi đi hộ niệm, ta nên hỏi đến lời nguyện của người bệnh như thế nào:

– Nam Mô A-Di-Đà Phật, cho con về Tây-Phương Cực-Lạc. Được rồi!

Nam mô A-Di-Đà Phật, con nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Được rồi! Đủ rồi! Bấy nhiêu đó đủ rồi, không cần dài dòng.

Nam mô A-Di-Đà Phật, xin Phật cho con về Tây-Phương Cực-Lạc.

Hay lắm rồi chư vị ơi! Bao nhiêu đó là đủ rồi, không cần dài dòng đâu. Đừng thấy Ngài Liên-Trì Đại Sư phát nguyện thành một bài dài cả trang giấy, mình cũng ráng học thuộc lòng để phát nguyện theo. Ngài làm được, mà mình thì làm không nổi đâu nhé. Coi chừng quên trước lộn sau mà tâm rối bời đấy. Lúc lâm chung cấp bách lắm! Tâm phải định, phải vững và định từng điểm từng điểm rõ rệt, cụ thể thì mới có cơ hội thoát nạn. Bình thường chúng ta có thể dùng các lời nguyện của chư Tổ để học tập, để hiểu thấu đạo lý răn dạy của các Ngài, mong cho thâm nhập vào tâm cái lý đạo Tịnh-Độ, để có Tín tâm vững hơn, sức nguyện vững hơn và đường tu hành chuyên hơn, đúng lý đúng pháp hơn. Chứ còn khi đến tình trạng lâm chung rồi, thì càng đơn giản càng vững, càng ngắn gọn càng hay, khỏi bị quên, khỏi bị rối. Rất cần người hộ niệm đến bên cạnh nhắc nhở từng chút, từng chút mới an toàn được.

Nhưng cũng xin thưa với chư vị, có nhiều người mình nhắc nhở, nhưng họ không chịu nghe. Có nhiều người nhắc nhở, nhưng họ không chịu tin. Nhiều người không muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Nhiều người còn bài bác luôn cả A-Di-Đà Phật… Lúc đó thôi đành chịu thua. Hết duyên rồi vậy!.

Những lời này nói ra để động viên chư vị càng ngày càng tin cho vững, càng ngày càng đi cho thẳng, càng ngày càng tu cho chuyên để được vãng sanh. Nếu sơ ý thì coi chừng thất vọng đấy. Sống trong thế giới năm trược ác thế khó thoát nạn lắm đấy, không phải đơn giản đâu nhé chư vị. Nhớ là bây giờ mình còn có thể lý luận được, lúc đó yếu đuối, thôi đành chịu thua!

Pháp Hộ-Niệm nhờ vạch ra từng điểm, từng điểm để giải quyết mà cứu được người vãng sanh trước mắt. Mới ngày hôm nay, tin tức trong “Thế Giới Hộ Niệm” có một người vãng sanh, ra đi lưu lại tướng lành đẹp vô cùng. Hiện tượng vãng sanh xảy ra trước mặt, ngày ngày đều có. Chỉ nhờ Pháp Hộ-Niệm, chỉ được hộ niệm mà nhiều người ra đi đã hưởng được cái ơn huệ này. Quí hóa thay.

Cho nên, “Hướng dẫn người bệnh phát nguyện vãng sanh ngắn gọn”. Xin nhớ cần ngắn gọn. Lời nguyện nào của họ vừa ngắn gọn và vừa đủ ý nghĩa là được. “Nam Mô A-Di-Đà Phật, con muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc”. Tốt rồi. Đừng nên dài dòng quá mà quên lên quên xuống, không tốt.

Câu (c): Giúp người bệnh an tâm nằm dưỡng bệnh, không cần suy nghĩ gì cả.

Đúng không? – (Sai!). Mình thấy rõ ràng rằng, Pháp Hộ-Niệm thực hiện cả một phương pháp tu tập vững chắc, cụ thể, đâu ra đó. Nhiều người bình thời tu tập cứ mong sao cho tâm hồn được phẳng lặng, thanh tịnh, không xao động, lúc ra đi được nhẹ nhàng là được. Ý nguyện này rất dễ bị cạm bẫy của oán thân trái chủ. Hoặc là đến lúc lâm chung họ ước muốn làm sao cho tâm hồn phẳng lặng, thanh tịnh, nhưng xin thưa thực với chư vị, tình huống đã hoàn toàn không như ý muốn rồi. Họ muốn an tịnh mà an tịnh không được. Nghiệp báo đã ứng hiện khó lường, oán thân trái chủ đã ra tay báo hại, không cách này thì cũng cách khác, luôn luôn bị vây hãm trong cảnh rối loạn, hãi hùng thì làm sao an tịnh đây!… Còn nữa, bệnh khổ đang hành hạ xác thân đâu dễ gì thoải mái được. Vạn sự bức bách làm tâm thần đảo điên điên đảo!…

Đau lưng quá niệm Phật không được rồi! Nhức đầu quá niệm Phật không được rồi! Đừng nói chi là lúc lâm chung tứ đại phân ly, xác thân đau nhức như con rùa đang sống bị lột cái mai! Hãy tưởng tượng cho dễ hiểu hơn, giống như có người lấy cái kềm kẹp cái móng tay của mình mà rút ra vậy. Chư vị chịu nổi không? Niệm Phật được không? Lúc đó nhận lấy một sự đau đớn kinh hoàng, đau đến nỗi phải tắt thở chết luôn. Đau đến nỗi mà tim phải ngừng đập luôn. Chư vị có ý thức điều này chưa? Có dám nghĩ rằng tự mình giải quyết ổn thõa không?

Cho nên, lúc đó mà nghĩ rằng mình sẽ thanh tịnh thì quá phiêu phỏng!… Chỉ thực sự là Đại Bồ-Tát thì hi vọng. Nghiệp chướng các Ngài quá nhẹ, phước báu các Ngài quá lớn, công đức các Ngài quá nhiều, các Ngài được chư Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ tối đa mới làm được. Còn phàm phu như chúng ta dễ gì vượt qua chướng nạn, mà cứ ngồi đây lý luận hão huyền. Vì thế, nói rằng, “Hộ niệm là giúp cho người bệnh an tâm nằm dưỡng bệnh không cần suy nghĩ gì cả là sai chứ không đúng. Xin nhớ cho kỹ.

Câu (d): Hộ niệm có thể hóa giải nhiều chướng ngại giúp người bệnh an tâm niệm Phật, cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Câu này là đúng đấy. Hộ niệm có thể hóa giải nhiều chướng ngại cho người bệnh. Sau khi hoảng sợ, hãi kinh, chờn vờn, bất an mà nghe được người hộ niệm khai thị, hướng dẫn, bảo vệ, củng cố tinh thần, rồi niệm Phật với họ thì tự nhiên cơn sợ hãi mất đi, nỗi đau đớn xóa tan, tinh thần họ vươn lên. Nhờ thế mà người ta mới an tâm, quyết lòng niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

So sánh hai câu trên có chỗ khác nhau.

Câu trước là: “Giúp cho người an tâm nằm dưỡng bệnh. Điều nay không phải. Nằm đó, anh phải quyết lòng quyết chí niệm Phật. Dù có đau cũng phải vùng lên niệm Phật, dù có khổ cũng phải cố gắng niệm Phật, dù ngộp cũng niệm Phật, dù sợ cũng niệm Phật, có chúng tôi tới hộ niệm bảo vệ cho anh niệm Phật đây. Chứ không phải khuyên người ta cứ yên chí nằm đó dưỡng bệnh. Hoàn toàn không phải.

Còn câu thứ 2 là: “Giúp cho người bệnh hóa giải nhiều chướng ngại trong lúc người ta lâm chung. Đau đớn, con cái, gia sự, buồn phiền, rối rắm, oán thân trái chủ, v.v… người hộ niệm khai thị, hướng dẫn giải quyết giùm cho, giúp người bệnh an tâm, tinh thần được vực lên. Nhờ thế mà người ta mới vượt qua ách nạn của nghiệp chướng, mới vùng lên nguyện vãng sanh, họ theo nguyện lực trở về Tây Phương Cực-Lạc.

Mong chư vị ai ai cũng quyết lòng quyết dạ tin tưởng niệm Phật tốt. Một đời này vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc nhé. Đừng lạc vào con đường nào khác nhé chư vị.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –