Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 03) | Trên Thế Gian Này Có Bao Nhiêu Pháp Hộ Niệm?

Share on facebook
Share on twitter

 

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm

(Tọa đàm 3)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

Pháp hộ niệm này từ trong kinh Phật, nhiều kinh Phật có nói về pháp hộ niệm và chư Tổ của Tịnh-Độ-Tông đã soạn lại thành hệ thống để giúp cho những người sau này ứng dụng, trợ duyên cho nhau để vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Có nhiều người chê bai pháp hộ niệm, nhưng Tịnh-Tông Học-Hội người ta chú trọng tới pháp hộ niệm. Diệu Âm cũng rất tâm đắc với pháp hộ niệm này. Trong suốt mười mấy năm qua Diệu Âm thường được mời tới một số nơi để trình bày về pháp hộ niệm. Riêng ở Việt Nam chúng ta bây giờ người ta hộ niệm tuyệt vời lắm. Hôm nay có một vị khách quý tới đây, cũng xin báo cáo với vị khách quý rằng, ở Việt Nam người ta áp dụng pháp hộ niệm này tuyệt vời lắm. Có nhiều người nói rằng ở Việt Nam hiện tượng được hộ niệm vãng sanh lưu lại thân tướng tốt đẹp, nhiều người vẫy tay ra đi, nhiều người biết trước ngày giờ ra đi… nhiều lắm! Có người nói rằng đây là một sự kiện đặc biệt trong lịch sử Việt Nam mà từ trước tới giờ chưa từng xảy ra. Hôm nay chúng ta nói đến pháp hộ niệm hy vọng sẽ lưu lại làm tài liệu căn bản cho những ai muốn tìm hiểu về pháp hộ niệm để trợ duyên cho nhau vãng sanh Tịnh-Độ.

Thưa với Sư Cô chứng minh, pháp hộ niệm này không phải là do Pháp Sư Tịnh-Không sáng chế ra, cũng không phải là do Tịnh-Tông Học-Hội sáng chế ra, như một số người đã hiểu lầm. Một sự hiểu lầm quá đáng tiếc!… Thực ra, pháp hộ niệm này có từ thời Đức Phật, Ngài đã giảng rõ, và rất nhiều lần huyền ký trong nhiều kinh điển, chứ không phải là do người thời nay sáng tạo ra đâu.

Ở Việt Nam chúng ta, cũng như nhiều nơi khác, trong suốt thời gian qua có lẽ vì sơ ý trong sự hướng dẫn cụ thể cho những người học Phật thực hiện chính xác giáo pháp của Phật một cách đúng thời, đúng cơ để tạo duyên lành thành tựu cho chúng sanh. Vì chưa đủ duyên gặp được pháp hộ niệm, nên ít người biết áp dụng đến pháp này, thành ra hiếm khi chúng ta thấy được người vãng sanh. Hôm nay duyên lành đã đến, chúng ta mới phát hiện ra rằng, sự trợ duyên cho người lâm chung vãng sanh vô cùng quan trọng, vô cùng quan trọng!… Khẩn khoản xin Sư Cô hãy cố gắng nghiên cứu pháp hộ niệm này đi, đừng nên nghĩ rằng một đời tu hành này mình có thể dễ dàng vượt qua tam giới. Khó lắm đấy! Không phải đơn giản như mình nghĩ đâu!…

Ấy thế, thực tế hiện nay có những người đồng tu bình thường thôi, nhưng khi ra đi đã thấy A-Di-Đà Phật hiện thân tiếp dẫn và an nhiên theo Phật đi vãng sanh đấy. Có những người hết sức bình thường mà biết được ngày giờ ra đi, họ theo Phật đi về Tây-Phương Cực-Lạc đấy. Sở dĩ họ có được thành tựu này là nhờ pháp hộ niệm, nhờ những người biết hộ niệm đến bên cạnh hướng dẫn, hóa giải, gỡ rối từng chút, từng chút giúp họ vượt qua chướng nạn mà vãng sanh. Thực sự, pháp hộ niệm vi diệu vô cùng.

Cũng xin chú ý rằng, pháp hộ niệm mà chúng ta đang nói đây là pháp hộ niệm vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, do chư Tổ Sư trong Tịnh-Độ-Tông y cứ trong các kinh Tịnh-Độ, kinh A-Di-Đà, kinh Vô-Lượng-Thọ, kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ, và nhiều kinh điển khác mà hệ thống lại cho chúng ta ứng dụng, chứ không phải Chư Tổ tự chế ra.

Trong nhiều kinh điển của Phật, hầu hết kinh nào cũng có huyền ký về pháp hộ niệm. Có rất nhiều tài liệu của chư Tổ để lại nói về hộ niệm. Biết được chuyện này, xin thưa với chư vị, cũng nên sớm cẩn thận nghiên cứu để chuẩn bị cho chính mình, đừng bao giờ sơ ý xem thường mà lỡ một ngày nào đó vô thường gõ cửa, đến thời điểm mình phải ra đi rồi, bất ngờ lắm, không còn kịp để cứu vãn đâu!.. Không kịp để cứu vãn nữa đâu!

Tất cả từ câu số 1 đến câu số 4 xin được gác qua, vì ý nghĩa ở đây quá rõ ràng, không cần gì phải nói thêm. Diệu Âm xin bắt đầu từ câu số 5. Câu này nêu vấn đề: Trên thế gian này có bao nhiêu Pháp Hộ Niệm?

Xin thưa với Sư Cô cùng chư vị, nhiều người nghĩ rằng chỉ có một pháp hộ niệm. Không đâu. Không phải là chỉ có một pháp hộ niệm đâu. Nếu mình hiểu rằng hộ niệm chính là một pháp tu, thì pháp môn nào cũng là pháp môn hộ niệm. Hôm qua mình đã nói rõ ràng chuyện này rồi. Hôm nay xin nói rõ thêm nữa, là mỗi pháp môn tu học đều có một cách hộ niệm riêng, hay nói thẳng ra là pháp môn nào cũng là pháp môn hộ niệm. Như vậy, khi mình nói hộ niệm ở đây là nói riêng về pháp hộ niệm vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc của Tịnh-Độ-Tông. Cũng xin nhắc nhở rằng, Tịnh-Độ-Tông chứ không phải Tịnh-Tông Học-Hội. Tịnh-Tông Học-Hội là một hội được lập lên để tu theo pháp môn Tịnh-Độ, chứ không phải Tịnh-Tông Học-HộiTịnh-Độ-Tông.

Mỗi pháp môn đều có cách hộ niệm riêng. Tịnh-Độ-Tông là pháp môn quy hướng chúng sanh về cõi Tây-Phương Cực-Lạc, cho nên nếu người nào thực sự muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì chỉ nên nghiên cứu thật kỹ pháp hộ niệm của Tịnh-Độ-Tông là đủ, nhờ thế mới vững vàng đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc được. Ví dụ, nếu mình dùng pháp hộ niệm của Mật-Tông thì sẽ đi theo con đường khác, vì Mật-Tông người ta có cái nguyện đời sau trở lại làm người để tiếp tục hành đạo. Pháp hộ niệm của họ thường hướng dẫn thần thức của người chết vượt qua rất nhiều cảnh giới trong Thân-Trung-Ấm để trở lại làm người. Phát nguyện trở lại làm người để tiếp tục độ sanh thì đường giải thoát cho chính mình cũng khó lắm đấy, không phải đơn giản đâu!… Ví dụ khác, nếu như chúng ta nghiên cứu pháp hộ niệm của các pháp môn thuộc Tiểu-Thừa, thì vô tình mình hướng dẫn con đường tọa thiền, cố gắng diệt nghiệp để chứng chơn thường, đạt đến Thánh quả A-La-Hán mà vượt qua tam giới. Đường tu này là tự lực tu chứng, phải trải qua từng đại a-tăng-kỳ kiếp đấy, từng tỷ tỷ năm đấy, cũng không phải đơn giản đâu!…

Cho nên xin thưa với chư vị, khi hộ niệm chúng ta phải nắm vững là hộ niệm theo pháp môn nào, chứ đừng nên sơ ý nghiên cứu khắp nơi, cứ thấy “Pháp Hộ Niệm“ thì ứng dụng liền, coi chừng bị trở ngại, vì tông chỉ và phương cách tu hành mỗi pháp môn có sự khác nhau. Chúng ta đang nói hộ niệm đây là hướng dẫn thực hiện tông chỉ của pháp môn Tịnh-Độ, thực hiện Tín-Nguyện-Hạnh vững vàng, để lúc rời khỏi báo thân này ta về Tây-Phương Cực-lạc. Xin chư vị xác định rõ ràng mục tiêu này, chúng ta cần phải nghiên cứu cho đúng, cho thẳng, cẩn thận từng điểm, chứ không thể sơ ý mà dễ bị kẹt đó.

Thế gian này có bao nhiêu pháp hộ niệm? Tất cả Tôn Giáo đều có phương pháp hướng dẫn người sắp chết đi về cảnh giới tương ứng, có thể gọi là cách hộ niệm của họ. Đúng như vậy đấy. Đạo Cao-Đài có cách hướng dẫn của đạo Cao-Đài. Đạo Thiên-Chúa các vị Cha Xứ cũng có cách hướng dẫn riêng giúp cho tín đồ đi về cảnh giới Trời. Đây có thể gọi là cách hộ niệm của họ. Tất cả mọi pháp môn, tất cả mọi tôn giáo, nhiều khi người thế gian cũng có cách hướng dẫn cho người chết đi về những cảnh giới họ mong muốn. Ví dụ như thế gian người ta thường hay nguyện rằng khi chết đi theo ông bà, tổ tiên… Chúng ta đừng nên sơ ý áp dụng những pháp hộ niệm khác mà bị lạc con đường vãng sanh, không thể trở về Tây-Phương Cực-Lạc được.

Có người đánh giá pháp hộ niệm là tiêu cực, người tu hành tại sao lại cứ nằm đó chờ chết rồi nhờ đến hộ niệm?!… Xin chư vị nghĩ thử, sự đánh giá này đúng hay sai? Không phải vậy đâu. Đừng bao giờ nghĩ rằng có pháp hộ niệm rồi thì cứ nằm ngủ, tu tà-tà cũng được, chờ đến lúc cuối cùng mời ban hộ niệm tới niệm Phật cho mình thì mình được vãng sanh. Không có đâu! Tuyệt đối không phải vậy!… Tất cả mọi sự hướng dẫn của các ban hộ niệm chỉ nhằm giúp cho chính người bệnh biết được những gì phải làm. Ví dụ ban hộ niệm tới khuyên người bệnh phải tin tưởng nhé, người đó có tin tưởng hay không là điều khác!… Phát nguyện vãng sanh đi. Người đó có tha thiết phát nguyện vãng sanh hay không là điều khác. Niệm Phật đi. Người đó có thành tâm niệm Phật hay không là vấn đề khác. Như vậy, tin tưởng, phát nguyện vãng sanh và niệm Phật là chính người sắp sửa xả bỏ báo thân đó phải làm trọn vẹn mới được vãng sanh, chứ không phải người hộ niệm làm dùm mà được. Điều khó khăn chính là đây.

Chính vì thế, xin thưa với chư vị, nếu muốn được vãng sanh mà nằm đó chờ chết rồi kêu ban hộ niệm tới giúp, thì hoàn toàn không hiểu đúng chánh pháp. Người tu học Phật Giáo ngày nay thường kỳ vọng vào lễ cầu siêu, không lo công phu tu hành hoặc tu hành mông lung vô định hướng, rồi chờ chết mời vị Sư đến cầu siêu. Chư vị hãy mạnh dạn đến gặp các vị Sư hỏi:

– Bạch thầy! Cầu siêu như vậy mẹ con có được siêu thoát hay không?

Nếu là bậc chân chánh tu hành, chắc chắn các Ngài sẽ nói rõ ràng:

– Cầu siêu là chúng tôi đến gieo duyên Phật pháp cho Hương Linh, mong cho Hương Linh này ngộ ra niệm Phật cầu vãng sanh mà được siêu thoát, chứ ai dám bảo đảm cầu siêu là được siêu thoát.

Vì thế, người thật sự muốn siêu thoát lục đạo luân hồi, một đời này vãng sanh thành đạo thì không thể tu hành mông lung vô định hướng, hoặc nằm đó chờ chết rồi nhờ người khác tới gieo chút duyên lành mà được. Chúng ta phải chủ động mà đi. Muốn vãng sanh cần phải nhớ, chính mình đã chủ động đi về Tây-Phương Cực-Lạc đó.

Chủ động như thế nào đây? Từ ngày hôm nay bắt đầu chuyên nhất niệm Phật đi nhé. Ngày hôm nay bắt đầu đi thẳng con đường vãng sanh đi nhé. Ví dụ nhiều người nghĩ rằng phải chú tâm phá cho hết nghiệp chướng mới được giải thoát. Họ đã đi con đường khác rồi. Chúng ta hộ niệm không hướng dẫn cho người bệnh phá nghiệp, mà hướng dẫn họ hãy gói cái nghiệp lại, bao cái nghiệp lại, quên cái nghiệp đi, đừng nên động tới cái nghiệp nữa… Hãy dành hết tâm lực mà chí thành niệm câu Phật hiệu cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Muốn gói được cái nghiệp thì bắt đầu từ đây đừng bao giờ nghĩ đến chuyện phá nghiệp nữa. Nếu cứ mưu toan phá nghiệp thì đến lúc nằm xuống tâm trí của mình cứ dính chặt vào nghiệp chướng, đưa đến trạng huống khó lòng thoát nạn. Tâm còn dính vào nghiệp thì nhất định tâm này phải theo nghiệp để thọ nạn. Chư vị nên rõ ràng điều này. Như vậy, bây giờ chúng ta phải chuẩn bị làm sao trong lúc lâm chung, tâm mình phải nghĩ đến A-Di-Đà Phật, phải niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Tâm nghĩ điều nào, tâm nhớ cảnh nào, tâm muốn đi về đâu thì tự nhiên cảnh giới đó hiện tiền. Tâm mình tha thiết nguyện vãng sanh thì tâm này sẽ theo ước nguyện đó mà vãng sanh Tịnh-Độ. Xin nhớ cho thật kỹ điểm này chứ không thì chúng ta sẽ bị lận đận lao đao lắm đấy!… Kính mong Sư Cô chứng minh cho điều này.

Vì thời gian hạn hẹp, ở đây con chỉ nói lần từng bước cho đồng tu cùng suy nghĩ. Mong rằng chư vị hiểu ra vấn đề, sự tu hành bắt đầu chúng ta cố gắng Định lại. Định không có nghĩa là ngồi im lặng, nhắm mắt quay mặt vào tường… Không phải vậy đâu! Hôm nay chúng ta biết được đạo lý vãng sanh Tịnh-Độ rồi, thì hãy xác lập chữ Định một cách rõ ràng hơn nhé.

Định là gì? Là tâm mình có Chủ-Định. Hòa Thượng Tịnh-Không giảng nói như vậy phải không? Có Chủ-Định gì? Chủ-Định đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Muốn có được Chủ-Định đi về Tây-Phương Cực-Lạc thì phải nghe lời Đại-Thế-Chí Bồ-Tát dạy: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai”. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý hãy đóng lại. Hãy nhiếp tâm lại, định tâm lại, thành tâm thanh tịnh niệm Phật. Ở đây niệm Phật, về nhà cũng niệm Phật. Niệm Phật không cầu hết bệnh. Niệm Phật không cầu chứng đắc. Niệm Phật không cầu an khang. Niệm Phật không cầu hết phiền não… Niệm Phật chỉ duy nhất để cầu được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Làm sao cho tâm tâm, nguyện nguyện của mình chỉ nhắm đến sự vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Nhất định phải vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc cho kỳ được, còn những chuyện bệnh hoạn, phiền não gì đó quyết không thể lung lay chí nguyện vãng sanh Tịnh-Độ của chúng ta. Chư vị rõ ràng chưa?…

Như vậy, tâm mình định ở đâu đây? Một là ở câu A-Di-Đà Phật; Hai là định vào lời nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc; Ba là niềm tin vững vàng không lay chuyển. Ba điểm này vững vàng thì tâm ta được gọi là Định. Nếu ra ngoài kia gặp người ta nói, cần phải nhờ đến Chú này Pháp nọ để xóa nghiệp. Ai lo xóa nghiệp sao đó thì lo, còn ta thì không cần xóa, cứ quyết một lòng niệm Phật cầu vãng sanh, không cần động đậy tới nghiệp chướng. Làm được như vậy, thì tâm của Cô đã Định. Làm được như vậy, thì tâm của Chị đã Định. Định ngay từ bây giờ cho đến khi mạng chung. Đến lúc nằm xuống rồi, lòng tin của mình đã vững, sức nguyện của mình đã mạnh, câu A-Di-Đà Phật của mình đã thuần… Dẫu cho bệnh khổ hành hạ đớn đau quằn quại, tức lưng, chóng mặt gì đó cũng mặc nó, mình vẫn tự nhiên niệm Phật, không còn thoái tâm. Tâm thành tất cảm ứng, chư Phật Bồ-Tát gia trì, chư Thiên Long Hộ-Pháp bảo vệ, giúp cho mình thêm tỉnh táo. Rồi còn có ban hộ niệm hướng dẫn, nhắc nhở, niệm A-Di-Đà Phật bên mình, tự nhiên mình niệm được câu A-Di-Đà Phật… đi về Tây Phương. Mười niệm tất sanh! Rất nhiều người đã vãng sanh theo diện này rồi. Xin tất cả vững tâm, đừng nên thoái chuyển.

Kính xin Sư Cô chứng minh, mong chư vị quyết tâm cùng đi. Bắt đầu từ đây chúng ta đi thẳng một mạch về tới Tây-Phương Cực-Lạc. Vãng sanh thành đạo rồi mới tính đến chuyện cứu độ chúng sanh nhé. Nhớ là phải về đây cứu độ nhau đó!

A-Di-Đà Phật!

 

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –