Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 06) | Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh Tây-Phương Cực-Lạc Là Của Ai? Bắt Nguồn Từ Đâu?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm

(Tọa đàm 6)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Kính bạch Sư Cô cùng chư vị đồng tu, chúng ta có cái cơ duyên mỗi đêm học hỏi với nhau về Pháp Hộ-Niệm, dựa theo quyển sách đã được soạn ra rất chi tiết từ đầu chí cuối này. Hy vọng khi đi suốt qua chương trình này tất cả đồng tu chúng ta sẽ nắm vững về Pháp Hộ-Niệm.

Ngày hôm qua chúng ta nói rằng, trên thế gian này có rất nhiều Pháp Hộ-Niệm. Mỗi pháp môn tu, mỗi một tôn giáo, ngay cả mỗi một dân tộc đều có cách hộ niệm hướng dẫn con người khi xả bỏ báo thân đi về những nơi chốn mà người ta mong muốn. Hôm nay chúng ta nói đến vấn đề thứ 6: Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh Tây-Phương Cực-Lạc là của ai? Bắt nguồn từ đâu? Trong tập sách này có mấy câu trả lời sau đây:

a)      Là Pháp Hộ-Niệm chung của Phật Giáo không phân biệt pháp môn nào hết?

Đúng không chư vị? – (Sai!). Không phải như vậy. Mình vừa mới nói là mỗi pháp môn có một phương cách thực hành riêng, một cách tu tập riêng. Ngay trong Phật Giáo chúng ta cũng vậy, mỗi pháp môn tu tập đều có sự hướng dẫn đến một cảnh giới riêng tương ứng với pháp môn đó. Có những pháp thuộc về Nhân-Thừa, Thiên-Thừa, là chú ý trở lại làm người hoặc lên một cảnh giới trời nào đó trong Dục-Giới. Có những pháp của Nhị-Thừa, Nhị-Thừa hay là Quyền-Thừa Bồ-Tát thì thường thường các ngài thực hiện những pháp tu để thành các vị A-La-Hán: Thinh Văn, Duyên-Giác (Bích-Chi-Phật). Những pháp của Bồ-Tát Thừa, còn gọi là Đại-Thừa, các vị Bồ-Tát Pháp-Thân Đại-Sĩ. Còn Phật-Thừa hay là Nhất-Thừa, đi về cảnh giới của Phật. Nói chung, mỗi pháp môn tu luôn luôn có cách hướng dẫn thực hành riêng, chúng ta nên nhớ kỹ điều này. Thành ra câu nói: “Hộ niệm vãng sanh Tây-Phương là Pháp Hộ-Niệm chung của Phật Giáo” thì không đúng. Không nên nghĩ như vậy.

b) Là pháp Hộ-Niệm của Thiền-Tông giúp cho người được “Minh-Tâm Kiến-Tánh”.

Chư vị nghĩ là câu này đúng hay sai? – (Sai!). Cũng sai luôn!… Tại vì khi chúng ta nói vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì đây là tông chỉ của Pháp Môn Tịnh-Độ đưa người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Từ trong bao nhiêu năm qua chúng ta thường hay nói rằng vãng sanh Tây-Phương, vãng sanh Tây-Phương… chính là thực hiện cái tông chỉ của Pháp Môn Tịnh-Độ, gọi là Di-Đà Tịnh-Độ, đi về cảnh giới Tây-Phương Cực-Lạc. Có nhiều pháp môn tu không hướng dẫn chúng sanh đi về cảnh giới Tây-Phương Cực-Lạc, mà họ tự tu tự chứng lấy để trở thành những vị Bồ-Tát minh tâm kiến tánh ở cõi Hoa-Nghiêm. Đó là những cách tu khác nhau. Chư vị nên chú ý, có rất nhiều pháp môn thuộc về Tự-Lực, tự tu chứng lấy những cảnh giới tương ứng với sức tu. Còn Pháp Môn Niệm-Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc là pháp môn Nhị-Lực, nương nhờ từ lực của Đức Phật A-Di-Đà tiếp dẫn về thế giới của Ngài ở cõi Tây-Phương Cực-Lạc, thành bậc A-Duy-Việt-Trí Bồ-Tát, gọi là Bất-Thối Bồ-Tát, từ đó tiến thẳng đến quả vị Phật luôn.

Phân tích rõ ràng ra chúng ta mới hiểu rằng niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc là tông chỉ của pháp môn Tịnh-Độ. Và, cũng xin chư vị nhận thức cho rõ ràng thêm, là có nhiều pháp môn Tịnh-Độ khác nhau, chứ không phải chỉ có một. Ví dụ như, có người tu Nhân-Gian Tịnh-Độ, Di-Lặc Tịnh-Độ, Đông-Phương Tịnh-Độ, Tây-Phương Tịnh-Độ, v.v… Chúng ta đang tu đây là đi về cảnh giới Tây-Phương Tịnh-Độ, tức là cõi Tịnh-Độ của đức A-Di-Đà Phật mà trong kinh đức Thế-Tôn chỉ điểm cho chúng ta. Mong chư vị hiểu rõ và vững vàng đạo lý này để tu hành và hướng dẫn cho người được hộ niệm đi đúng đường.

Đức Thế-Tôn dạy rằng, chỉ có thế giới Tây-Phương Cực-Lạc của Đức A-Di-Đà là thù thắng nhất, là vi diệu nhất, đại nguyện của đức A-Di-Đà là vĩ đại nhất. Đi về cảnh giới Tây-Phương Tịnh-Độ, tức là thế giới Tây-Phương Cực-Lạc của Đức A-Di-Đà, với cái nguyện của Ngài không bắt buộc chúng sanh phải tu cho chứng đắc rồi mới được vãng sanh, mà đặc biệt là đòi hỏi người thực hành chỉ làm sao phải vững lòng tin, phải tha thiết nguyện vãng sanh và khi xả bỏ báo thân phải niệm cho được danh hiệu của Ngài, quyết lòng chí thành mà niệm, 10 niệm, 1 niệm để cầu vãng sanh sẽ được vãng sanh.

Pháp Niệm-Phật vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc rất dễ dàng!… Rất dễ dàng!… Về đến Tây-Phương Cực-Lạc rồi, thì Ngài thề rằng, nếu chúng ta không phải trong một đời thành đạo Vô-Thượng thì Ngài không giữ ngôi Chánh-Giác. Không những vậy, dẫu cho những chúng sanh trong Diêm-Ma-La Giới, trong ba đường ác, gọi là “Tam-Ác-Đạo trung chúng sanh”, nghĩa là chúng sanh trong Địa-Ngục, Ngạ-Qủy, Súc-Sanh mà niệm được danh hiệu của Ngài cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc cũng thoát khỏi 3 đường ác đi thẳng về nước của Ngài, cũng một đời bất thối thành Phật. Pháp Niệm-Phật vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thù thắng nhất chính là chỗ này. Khi giảng đến những phần sau, chúng ta sẽ thấy rõ hơn cái điểm tối vi diệu này vậy.

Còn nhiều cảnh giới khác của chư Phật cũng vi diệu lắm, thanh tịnh lắm, nhưng thường thường vẫn còn có ba đường ác, không thể sánh bằng Tây-Phương Cực-Lạc. Ví dụ như chúng ta đang ở đây là thế giới độ sanh của đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật, vẫn còn ba đường ác, vẫn còn sáu đường luân hồi. Riêng thế giới của đức Phật A-Di-Đà chỉ có Bồ-Tát, bất cứ một phàm phu nào ở đây đưa về đó tự nhiên trở thành Bồ-Tát. Đây thật là điều vi diệu. Trong những phần sau, chúng ta sẽ nói rõ hơn, còn ở đây chúng ta xác định Pháp Hộ-Niệm cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc là thuộc về Di-Đà Tịnh-Độ. Tu pháp môn Di-Đà Tịnh-Độ nên chúng ta thường niệm: “A-Di-Đà Phật!… A-Di-Đà Phật!…”. Niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh về cảnh giới Tây-Phương Cực-Lạc của Phật A-Di-Đà nên gọi là Di-Đà Tịnh-Độ. Hiểu rõ ràng như vậy, nên nói rằng Pháp Hộ-Niệm vãng sanh là của Thiền-Tông giúp cho người minh tâm kiến tánh thì không đúng.

Người tu Thiền-Định, nếu đắc được “Minh-Tâm Kiến-Tánh” thì trở về cõi Hoa-Nghiêm, có thể gọi là Hoa-Nghiêm Tịnh-Độ, đây là cảnh giới vô cùng vi diệu, nhưng đường tự lực tu chứng này vô cùng khó khăn, một người bình thường như chúng ta phải tu hành tới vô lượng kiếp cũng không dễ gì đạt được, nhưng về cảnh giới A-Di-Đà Tịnh-Độ thì một đời này chúng ta có thể đi được. Vi diệu ở chỗ là một đời này vãng sanh và cũng một đời này thành đạo Vô-Thượng. Thật là một điều khó tin. Nhất định một người bình thường không thể nào tin được. Đúng là “Nan Tín Chi Pháp”. Phật dạy, chỉ người nào mà duyên thành Phật thành thục rồi, có đầy đủ thiện căn rồi, gặp cơ duyên này người ta mới tin được. Còn người không đủ thiện căn thì nhất định không thể tin nổi đâu.

Chính vì thế, có nhiều người dù đã tu hành rất lâu nhưng không tin được Pháp Niệm-Phật này cũng là điều bình thường. Sở dĩ như vậy, vì đây là pháp không thể tin nổi đối với những người còn thiếu thiện căn. Chúng ta chỉ nương vào lời kinh mà nói, mong chư vị hãy tin đi, vì đây là pháp của Phật dạy, rất đúng đấy, không sai đâu. Trong những phần sau chúng ta sẽ nói rõ hơn.

d) Pháp Hô-Niệm của Mật-Tông giúp cho người tu hành được “Tam-Mật Thanh-Tịnh”.

Đúng không chư vị? – (Sai!). Cũng không đúng luôn. Đường tu Mật-Tông cũng đi về cảnh giới Tịnh-Độ. Xin thưa chư vị, pháp môn tu nào của Phật dạy cũng đi về một cảnh giới Tịnh-Độ cả, nhưng thực hành theo Mật-Tông khó khăn hơn nhiều đấy. Theo như lời của Ngài Tịnh-Không giảng, muốn thực hiện được con đường Mật-Tông, những vị đạt được từ Thất Địa Bồ-Tát trở lên mới có thể làm được. Thật không phải đơn giản!… Tu chứng qua khỏi Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi-Hướng rồi mới lên tới hàng Địa Thượng. Thất-Địa Bồ-Tát là những vị Đại Bồ-Tát ở cõi Hoa-Nghiêm, các Ngài đã phá đến 36 phẩm Sanh-Tướng Vô-Minh, sắp thành Phật rồi mới đạt được… Còn chúng ta đây chưa phá được một phẩm phiền não thô thiển nào, thì làm sao với tới con đường “Mật” đó? Quá khó!… Quá khó!… Nhiều người đã sơ ý, hoặc không biết đến vấn nạn này nên cứ điềm nhiên hi vọng.  Ngài Tịnh-Không còn nói, tu đường Mật-Tông một là thành công đi lên (thành đạo), hai là thất bại đi xuống (Địa-Ngục). Khó lắm!… Căng thẳng lắm!… Còn chúng ta đang đi đây là con đường rất dễ, gọi là “Dị Hành” của pháp môn Tịnh-Độ Di-Đà, từ bất cứ một vị trí nào cũng có quyền đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc để một đời thành đạo. Đây là pháp môn quá hay, quá vi diệu, không phải là đi từng bước từng bước, trải qua hàng vô lượng kiếp tu hành. Chính vì thế, chúng ta hôm nay là cứ nói thẳng vấn đề niệm Phật cầu vãng sanh là như vậy.

c)     Pháp Hộ-Niệm vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc của Tịnh-Độ-Tông giúp cho người vãng sanh về nước Cực-Lạc của Đức A-Di-Đà?

Đúng không? – (Đúng). Chắc chắn là đúng rồi. Vững vàng là đúng rồi đấy. Đây là Pháp Hộ-Niệm của Tịnh-Độ-Tông. Cũng xin chú ý là của Tịnh-Độ-Tông, chứ không phải của Tịnh-Tông Học-Hội. Nhiều người thường lầm lẫn giữa hai từ: Tịnh-Độ-Tông và Tịnh-Tông Học-Hội. Hai từ này khác nhau. Tịnh-Tông Học-Hội là một cái Hội của những người niệm Phật lập ra để thực hành Pháp Môn Niệm-Phật vãng sanh của Tịnh-Độ-Tông, còn Tịnh-Độ-Tông đã có từ thời Đức Thế-Tôn, Ngài nói trong kinh A-Di-Đà, kinh Vô-Lượng-Thọ, kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ. Tịnh-Tông Học-Hội mới được thành lập từ thế kỷ 20. Học-Hội này ra đời bắt nguồn từ ý tưởng của Ngài Hạ-Liên-Cư, một vị Cư Sĩ ở Trung Hoa. Ngài nói thời này mạt pháp rồi, tu hành khó được thành tựu, ngay cả các Tôn-Giáo cũng không còn chính xác nữa rồi!… Ngài Hạ-Liên-Cư chủ trương theo Tổ Ấn-Quang, ngày nay người tu học Phật-Giáo thường chú trọng quá nhiều về hình thức, lý thuyết, nên không đủ sức cứu độ chúng sanh nữa, Ngài nói nên lập cái hội nhỏ, 5 người, 10 người, 20 người… rồi lặng lẽ tu hành, chuyên lòng niệm Phật để đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc. Thì hội này có tên gọi là Tịnh-Tông Học-Hội, một hội ứng dụng theo Pháp Môn Tịnh-Độ-Tông, chuyên lòng niệm Phật đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc. Đây là sáng kiến của Ngài Ấn-Quang đưa ra, thực tiễn vô cùng, đã giúp cho người niệm Phật vãng sanh quá nhiều, quá nhiều. Thành quả quá vững vàng.

Ngày nay người ta nghe thấy Tịnh-Tông Học-Hội phát triển khắp nơi trên thế giới, đâu đâu cũng nghe tiếng niệm Phật vang vang, nên thường lầm lẫn rằng Tịnh-Độ-Tông tức là Tịnh-Tông Học-Hội, chứ thực ra Tịnh-Tông Học-Hội mới xuất sanh từ thế kỷ 20 thôi.

Hôm nay, chúng ta cần xác định rằng, hộ niệm Vãng-Sanh là phương pháp của Tịnh-Độ Tông, giúp cho người niệm Phật thành đạt được cái mục đích của Tịnh-Độ Tông, từng người từng người dễ có cơ duyên vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo.

Mong chư vị thấu hiểu được đạo lý này để vững lòng tu tiến. Ngày mai chúng ta lại giảng giải tiếp, để càng ngày càng vững, vững rồi thì chúng ta ai ai cũng được vãng sanh. Đức A-Di-Đà Phật sẽ đến đón chư vị về nước Cực-Lạc, một đời này thành tựu đạo quả, chứ không phải chờ đến đời thứ 2 hay đời thứ 3 làm chi phải không?…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –