Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 18) | Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh là gì?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 18)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Pháp Hộ-Niệm vãng sanh là gì?

Câu (f): pháp giúp cho người đang bị bệnh khổ hành hạ được chết sớm để bớt đau khổ.

Đúng không chư vị? – (Sai!). Có nhiều người sợ Pháp Hộ-Niệm lắm! Người ta nói con kiến cũng muốn sống, còn người tu hành gì mà cứ cầu chết! Có một lần Diệu Âm đi hộ niệm cho người đó, thì người con của người đó từ xa gọi điện về nói với gia đình:

  • Bác ơi! Đừng nên kêu ông Diệu Âm tới hộ niệm, ông đó tới hộ niệm thì mẹ mình chết liền đó.

Thật lạ lùng!… Xin thưa với chư vị, nếu thực sự tới hộ niệm mà người ta chết liền thì có lẽ rằng pháp Phật cũng không còn đứng vững nữa rồi. Một sự thật rất quí hóa là Pháp Hộ-Niệm giúp cho một người thoát cảnh chết mà được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc mà nhiều người không biết. Nếu là một Thánh Nhân thị hiện xuống dưới cõi trần này làm đạo, thì khi hết duyên người ta ra đi, đi nhanh lắm, đứng cũng được, ngồi cũng được, lặng lẽ đi cũng được. Có điều này. Còn người phàm phu như chúng ta, xin chư vị phải nhớ kỹ cho, cái thân này gọi là thân nghiệp lực, thì bắt buộc phải bị nghiệp lực chi phối, và thời gian mãn hạn tự nó đã có số phần, khó ai có thể thay đổi được.

Thành ra xin nhắc nhở đến mấy vị cứ thấy bị bệnh một chút thì buồn đau, than thở… Sai lầm quá! Bệnh đã hành hạ mình khổ rồi, mà mình còn hành mình khổ nữa… Hai cảnh khổ cộng lại mà hại mình thêm, một là làm cho bệnh trạng tăng lên, hai là tâm hồn thêm khổ não. Khổ quá mình chịu sao nổi!

Căn bệnh làm cho mình khổ, nhưng mình không khổ thì mới gọi là tự tại trước bệnh khổ. Người muốn vãng sanh thì khi thân mạng này hết sớm mình được sớm trở về Tây-Phương thành đạo, hưởng đời an lạc, hạnh phúc hơn chứ có gì đâu mà sợ. Có rất nhiều người đã đóng cửa không muốn tiếp xúc với ai để lo tu hành, ngày đêm niệm Phật cầu nguyện vãng sanh, họ cầu đi cho sớm để được về tới Tây-Phương Cực-Lạc sớm. Mình không có đủ năng lực như họ, thì mình cũng nên nghĩ rằng, khi bệnh khổ đến với mình chỉ là chuyện đương nhiên, hãy sẵn sàng chấp nhận. Ít ra mình cũng được cái phần này chứ. Muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, mà không tập giữ tâm tự tại trước bệnh khổ, thì khi lâm chung làm sao tránh khỏi sự dày vò của bệnh khổ, bị nghiệp chướng hành hạ làm tinh thần phải điên đảo, tâm hồn bị rối loạn thì làm sao có thể được vãng sanh?

Tự tại trước bệnh khổ có nghĩa là sao? Xin thưa với chư vị, là chúng ta bị bệnh khổ, bị ung thư, bị tiểu đường, bị nhức đầu, bị đủ thứ bệnh hết như tất cả mọi người, nhưng ta không sợ, ta không ngại, ta không quá khổ tâm vì bệnh hoạn, mà hãy nghĩ rằng đúng ra với nghiệp chướng chúng ta đã tạo ra trong nhiều đời nhiều kiếp nó phải hành hạ ta gấp 10 lần, gấp 100 lần, gấp 1.000 lần hơn nữa, còn ở đây mới mớm thử một chút thôi, ăn nhằm gì… Nghĩ như vậy, khi một cơn bệnh đến không làm cho ta quá lo lắng, mà chấp nhận một cách tự nhiên và coi như sẵn dịp này ta trả được chút nghiệp nào hay chút đó, trả bây giờ thì lúc lâm chung bớt trả. Những người thường có bệnh thì có cái tâm đề kháng mạnh hơn, có cái tâm điều phục phiền não mạnh hơn, có cái năng lực thích nghi với hoàn cảnh mạnh hơn những người không có bệnh. Những người sống trong sự giàu sang khi bị bệnh họ thường than như bộng, đau có một tí tẹo mà họ lo sợ giống như trời sắp sập. Thế gian cũng có câu nói: “Nhà giàu sướt tay bằng ăn mày đổ ruột”. Kẻ ăn mày đổ ruột mà họ có thể chịu đựng được, còn người giàu bị té trầy tay một chút mà chịu không nổi, đây chính vì sức chịu đựng của người giàu quá yếu đuối vậy!…

Đắc thất nan truy họa phước. Chính người thế gian đôi khi cũng biết trên đời này sự được hay mất chưa biết đâu là phước đâu là họa. Người ăn mày chịu đựng quá nhiều khổ sở rồi, nên đến lúc lâm chung khổ thêm chút nữa người ta vẫn chịu đựng được dễ dàng. Những người ăn mày này mà có duyên gặp được ban hộ niệm hướng dẫn thì họ vãng sanh dễ lắm. Bệnh khổ đối với họ đã quá bình thường rồi, đến lúc lâm chung khổ thêm một bước nữa người ta chịu đựng được dễ dàng, không đến nỗi quá khó khăn. Nhưng vì đã trải qua quá nhiều nỗi khổ khiến họ không muốn sống thêm làm chi, nên khi biết được đường vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc để hưởng đời an vui hạnh phúc, họ phát tâm niệm Phật mạnh hơn, họ cầu xin vãng sanh tha thiết hơn người bình thường nên dễ được vãng sanh hơn.

Cho nên, xin thưa với chư vị, biết được như vậy, thì người tu học Phật mình phải hiểu sâu lý đạo một chút. Thân mạng này là cát bụi, nó phải trở về với cát bụi vô thường, đây là điều tất nhiên. Thân xác nay trước khi trở về cát bụi, nhất định nó phải có bệnh. Như vậy ta hãy nghĩ rằng, khi bị những căn bệnh này: Một là, nó giúp cho ta tiêu trừ bớt một số nghiệp; Hai là, có thể trong cơn bệnh này mình được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nghĩ như vậy, thì khi một căn bệnh đến mình cảm thấy vui vẻ và lóe lên một tia hi vọng vãng sanh, có gì để lo âu nữa?

Vào năm 2002, ở thành phố Sydney Úc châu, có bà Du Tú Ky bị bệnh ung thư, bà muốn nằm tại nhà điều trị, bác sĩ cho thuốc về uống, họ còn lo sợ gia đình sơ ý quên liều lượng, nên lúc đầu hàng ngày y tá phải tới tận nhà cầm ly nước cho bà uống thuốc. Nhưng bà hứa sẽ uống thuốc đầy đủ nên về sau y tá không cần tới nữa. Nhưng sau đó bà không uống thuốc nữa, bà quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh. Tất cả thuốc bà để vào một cái rổ mây và dặn con cái khi bà vãng sanh rồi, hãy trả lại cho bác sĩ…

Đó là những người có chí khí kiên cường. Bà ấy bị bệnh ung thư mà khi ra đi không có một dấu hiệu nào đau đớn, không có một mũi thuốc morphine nào chích cho bà. Chư vị thấy cái tâm lực của bà Cụ mạnh không? Hẳn nhiên đây là trường hợp đặc biệt cá nhân, chứ không ai bắt chư vị phải bỏ thuốc thang. Nhưng tâm lực thì mình phải tập cho mạnh lên, đừng nên sợ chết, đừng quá âu lo về bệnh hoạn. Tâm lực có mạnh mẽ thì mới chịu đựng được sự khảo nghiệm của bệnh khổ. Pháp Hộ-Niệm hướng dẫn như vậy, chứ không phải có bệnh kêu ban hộ niệm tới họ niệm Phật thì mình chết liền đâu. Pháp Phật cứu chúng sanh thoát cảnh sanh tử luân hồi, làm gì có chuyện hộ niệm cho chết. Không có đâu, đừng nghĩ vẩn vơ!

Câu (g): Là một pháp giúp cho người đang trong cơn hấp hối được tắt hơi sớm.

Đúng không chư vị? – (Sai!). Sai quá! Giúp cho người đang bị bệnh khổ hành hạ được chết sớm để bớt khổ cũng sai luôn. Là một pháp giúp cho người đang trong cơn hấp hối được chết sớm cho đỡ khổ, cũng sai luôn. Những ý niệm này sai hết. Xin chư vị khi đi hộ niệm, chúng ta phải vững vàng về qui tắc hộ niệm. Đã học tập vững vàng về qui tắc hộ niệm rồi, thì hộ niệm phải cho đúng lý đúng pháp. Giờ phút xả bỏ báo thân đã có định kỳ rồi, đừng lo sợ nữa. Là một phàm phu chúng ta không thể định được ngày giờ ra đi đâu, không thể muốn đi lúc nào thì đi, muốn ở lúc nào thì ở. Cái thân mạng này nó có định số rồi, tới ngày giờ xả bỏ phải xả bỏ thôi. Tự tại về vấn đề này đi nhé.

Vì thế xin chư vị đừng nên sợ chết nữa! Có nhiều người nằm trên giường bệnh mười mấy hai chục năm, ngày đêm cầu chết mà chết không được. Có những người đang khỏe mạnh, sáng lái xe vô sở làm, chiều có tin báo là đã bị chết rồi. Thời điểm đã đến thì đi liền lập tức, thời điểm chưa đến dù có cầu xin chết sớm, chết cũng không được đâu. Người Dì của Phi là một người nằm trên giường bệnh mấy chục năm. Chính vì nằm trên giường bệnh lâu năm khổ quá, bà trông mong chết sớm cho khỏe thân, nhưng đâu dễ gì chết. Nhưng nhờ vậy mà trước khi chết bà không sợ. Chính vì trước cái chết không sợ, thành ra vừa nghe một lời khuyên: “Hãy niệm Phật về Tây-Phương Cực-Lạc cho sướng, chứ ở đây làm chi! Bao nhiêu năm qua bị khổ rồi, bây giờ còn bám víu nơi đây làm chi cho khổ nữa!…. Nghe vậy, tự nhiên bà vui vẻ thoải mái, bà liền bình tĩnh niệm Phật cầu vãng sanh. Nếu giả sử như bà Dì này hồi giờ khỏe mạnh, đẹp gái, không bệnh không đau gì cả, đến lúc đó chưa chắc gì bà đã vui vẻ niệm được câu A-Di-Đà Phật thành tâm chí kính để được vãng sanh dễ như vậy đâu.

Thế mới hay, chưa biết đâu là may đâu là rủi. Chúng ta là người niệm Phật, hãy xác định lập trường rõ rệt là niệm Phật để vãng sanh về Tây-Phương. Thân mạng này đến ngày giờ nào mãn hạn thì cứ để nó ra đi. Nếu thực sự chết mà chúng ta không sợ, thì còn sợ gì một vài căn bệnh. Vì thế, những người học Phật khi gặp bệnh mà buồn bã, âu sầu, than thở… thì dở lắm vậy! Quá dở đi! Người lo sợ về bệnh, dù có niệm Phật sau cùng cũng khó được vãng sanh.

Cho nên, xin chư vị, đừng bao giờ nghĩ rằng ban hộ niệm đến là mình chết liền. Đừng nghĩ vẩn vơ nữa. Chết sống là do số mạng đã định sẵn, cớ chi phải lo sợ dữ vậy! Xin hãy tự một chút nhé. Vậy thì, hãy tự mình kiểm điểm lại liền đi: Lúc bệnh, mình có sợ sệt không? Lúc ốm, mình có sầu khổ không? Lúc đau, mình có buồn lo không? Lúc sắp chết, mình có hãi hùng không? Lúc lâm chung, mình có trông cầu sống thêm được ngày nào hay ngày đó không? v.v… Nếu vướng vào những điểm này, dẫu cho chư vị tu hành niệm Phật 50 năm, 60 năm… sau cùng cũng khó mà vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc được.

Hiểu được như vậy chúng ta hãy đi cho vững, đi cho đúng, đừng đi sai nữa, đừng đi lệch nữa! Đừng nghĩ rằng hễ có niệm Phật thì yên chí sau cùng chắc chắn được vãng sanh. Không phải đơn giản như vậy đâu! Cái chấp nó nằm ngay trong tâm mình, tự mình phải bỏ ra. Nếu không bỏ ra, phải chịu thất bại. Hẳn nhiên, không ai có quyền bắt mình phải bỏ, nhưng không bỏ tham chấp thì mình phải mất phần vãng sanh vậy thôi.

Bây giờ xin hỏi rằng, niềm tin của mình vào Pháp Niệm Phật Vãng Sanh vững chưa? Chưa vững thì phải tin cho vững. Tin vững rồi, mà còn phải tin cho đúng nữa nhé, đừng đụng đâu tin đó. Nguyện vãng sanh phải nguyện cho tha thiết, đừng thấy ai nguyện gì mình cũng bắt chước nguyện theo. Nguyện vãng sanh mà còn tham cái này, còn chấp cái kia, còn vướng cái nọ… thì dẫu có nguyện vãng sanh hàng ngày cũng chỉ là nguyện suông, nguyện lấy lệ, khi ra đi chưa hẳn sẽ dễ vãng sanh đâu nhé. Người hộ niệm chỉ giúp đỡ, hướng dẫn cho mình, nhưng chính mình phải tự thực hiện cho được. Mình thực hiện không được thì đành chịu thua.

Xin thưa với chư vị, hãy thử hỏi, tại sao một người ít tu mà sau cùng lại được vãng sanh Tây-Phương Cực-lạc? Đây chính là vì cái duyên phần của họ tốt lắm đấy. Họ là những người hiền lành chất phác, khi ban hộ niệm đến hướng dẫn nói đâu họ nghe đó. Họ thực hiện được đầy đủ niềm tin là một, tha thiết muốn vãng sanh cho sớm là hai, và thành tâm niệm Phật là ba. Nhiều lúc tự niệm Phật không nổi, nhưng nghe tiếng niệm Phật của đại chúng, họ âm thầm thành khẩn niệm theo: A-Di-Đà PhậtA-Di-Đà Phật A-Di-Đà Phật ngay trong lúc xả bỏ báo thân, họ tắt hơi trong tiếng niệm Phật của chính họ, chứ không phải trong tiếng niệm Phật của đại chúng, nhờ vậy mà họ vãng sanh. Còn ta tu hành như thế này, đừng vội tưởng là giỏi nhé, coi chừng lúc đó có người tới nhắc:

Chị ơi! Niệm Phật đi!… Mình cãi lại, không chịu niệm Phật!

Anh buông chuyện này ra đi nhé!… Mình lại bám thật chặt, không chịu buông ra!

Bác đừng buồn phiền nữa nhé!… Nhưng mình vẫn phải buồn, phải phiền, phải giận, phải hờn đủ cách mới được. Thôi chịu thua rồi! Tu hành cả đời sau cùng bị nghiệp chướng trói chặt, làm sao thoát nạn!…

Mong chư vị phải nhớ cho thật kỹ điều này, niệm Phật vãng sanh, là chính mỗi người phải thực hiện lấy, còn ban hộ niệm chỉ hướng dẫn những điểm cụ thể để chúng ta làm mà thôi. Sở dĩ trước giờ chúng ta thường thấy có người tu nhưng ít khi thấy được người thành tựu, là tại vì tu mà ít khi được hướng dẫn cụ thể, nên đường tu bị phạm quá nhiều sơ suất, đến lúc cuối cùng lại không có ai nhắc nhở, hỗ trợ, gỡ rối giùm cho nữa, thành ra bị vướng mắc lung tung mà chịu nạn. Thực sự, khi biết được Pháp Hộ-Niệm rồi, chúng ta mới phát hiện ra một sự sơ suất quá lớn trong việc tu hành mà nhiều người không hề hay biết!…

Nhờ có Pháp Hộ-Niệm chúng ta mới có được sự giúp đỡ, nhắc nhở tích cực cho mình tu sửa những điều sơ suất. Nhắc nhở từ lúc nào đây? Nhắc nhở ngay từ bây giờ. Cần nhận thức kịp thời những sơ suất của mình mà tự hóa gỡ trước, để nghiệp chướng rơi rớt xuống, thì lúc lâm chung may ra mình mới tỉnh táo thực hiện chính xác Pháp Niệm-Phật Vãng-Sanh. Nếu mình cứ bám vào cái thân bất tịnh này, bám vào cái ý niệm vô thường này, bám vào căn nhà tạm bợ này, bám vào cái danh vọng hão huyền này, v.v… thì nghiệp chướng nó sẽ bám chặt lấy mình, cuối cùng nó sẽ bừng lên hành hạ mình, làm mình mê man bất tỉnh, đành phải theo nghiệp thọ nạn. Lúc ấy dù có ban hộ niệm tới cũng đành chào thua, không cách nào có thể hướng dẫn một người đã mê man bất tỉnh mà niệm được câu A-Di-Đà Phật để vãng sanh Tịnh-Độ.

Thành ra, xin chư vị nên hiểu điều này, nghiệp chướng báo đời mình cũng do mình bám vào nghiệp chướng. Nghiệp chướng xa lìa mình cũng do mình biết xa lìa nghiệp chướng ra. Muốn xa lìa nghiệp chướng thì đừng nghĩ về nghiệp chướng, đừng sợ về nghiệp chướng, đừng vô ý tạo duyên cho nghiệp chướng hiện ra. Nghiệp chướng thể hiện ở đâu? Thường thể hiện trong những căn bệnh. Vì thế, xin chư vị hãy tập tự tại trước các căn bệnh để nghiệp chướng khó thể báo hại được mình. Nghĩa là, nếu có bệnh hiểm nghèo đến cũng đừng lo sợ quá, hãy an tâm đi. Vì sao vậy?  Vì thấy rằng mình được vãng sanh sớm hơn thiên hạ. Vãng sanh sớm thì mình được trở về Tây-Phương thành đạo sớm hơn thiên hạ. Có được trạng thái này là có tâm lực mạnh. Nhờ tâm lực mạnh giúp cho chư vị vượt qua tất cả ách nạn của nghiệp chướng để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, gọi là “Đới Nghiệp Vãng Sanh” vậy.

Mong chư vị ai ai cũng vững vàng đi về Tây-Phương trong một đời này nhé.

A-Di-Đà Phật.

 

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –