Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 61)
Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 61)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin mở trang 27 vấn đề: Đối với gia đình người hộ niệm cần nên làm gì?
(g): Khai thị, hướng dẫn người bệnh niệm Phật cầu vãng sanh là đủ.
Đúng không? – (Sai). Thiếu rồi! Nếu cho rằng khai thị hướng dẫn người bệnh cầu vãng sanh là đủ, thì coi chừng mình làm cái máy nói. Người bệnh không cần cái máy nói, mà người ta cần cái tinh thần hỗ trợ, cần cái tâm chí thành, cần cái tâm thành khẩn của người hộ niệm để trợ giúp cho họ. Vì thế, không phải khai thị, hướng dẫn cho người bệnh là đủ, mà ta còn phải hướng dẫn cả người trong gia đình, và ta còn phải gỡ rối cho họ, điều giải oán thân trái chủ nữa, v.v… Nhiều lắm chứ không phải là chỉ có hướng dẫn khai thị cho người bệnh là đủ đâu.
Pháp Hộ-Niệm đơn giản chứ không phức tạp, nếu chư vị nghe qua những cuộc tọa đàm này rồi, Diệu Âm tin tưởng người nào cũng có thể đi hộ niệm được. Trong quá khứ có những cuộc hộ niệm mà chỉ có 1 người em ngồi trước người chị để hộ niệm, mà người chị ra đi vẫn lưu lại tướng lành bất khả tư nghì. Rõ ràng Pháp Hộ-Niệm dễ chứ không khó, chỉ khó ở niềm tin. Người không tin tưởng thì không hộ niệm được. Người bệnh mà không tin tưởng thì đành chịu thua. Người bệnh vướng chấp đủ thứ mà không chịu buông, thì đành chịu nạn.
Pháp Hộ-Niệm thực sự vi diệu bất khả tư nghì, đơn giản, cụ thể, dễ ứng dụng mà giúp người vãng sanh hàng ngày. Mong chư vị cố gắng phát tâm mạnh mẽ hơn, phát tâm rộng lớn hơn nữa, sẵn sàng hộ niệm tiễn người vãng sanh.
Cứu người là cứu chính mình, hộ niệm cho người vãng sanh là hộ niệm cho chính mình vãng sanh. Tất cả những kinh nghiệm hộ niệm là cái vốn quí báu của chính mình. Thế gian này không có công đức nào lớn hơn công đức tiễn đưa một người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
(h): Nếu gia đình có làm điều gì sai lầm thì ban hộ niệm phải cực lực phản đối liền.
Đúng không chư vị? – (Sai). Không đúng. Nếu thấy gia đình làm việc sai lầm mà ban hộ niệm tích cực phản đối thì biến sự hộ niệm thành cuộc đấu tranh. Người chân chánh tu hành cần tránh xa những sự tranh chấp của thế gian. Một gia đình cố tình làm sai qui tắc hộ niệm, ban hộ niệm khuyên giải mà họ không nghe, thì coi như hết duyên, ban hộ niệm chỉ có quyền rút lui, xin đình chỉ việc hộ niệm chứ không thể cực lực phản đối được. Đây là nguyên tắc, vì trước khi nhận hộ niệm, mình đã đưa ra qui luật cụ thể cho gia đình, trong đó điều cuối cùng có nói rõ, nếu gia đình không nhất mực tuân theo những qui tắc này thì ban hộ niệm đành đình chỉ việc hộ niệm. Cái quyền của chúng ta là đình chỉ hộ niệm, chứ không phải cực lực phản đối. Xin nhớ cho kỹ điểm này.
Ví dụ, trong gia đình có 3 người, 2 người muốn hộ niệm, 1 người thì cực lực phản đối, thì 2 người kia phải tìm cách khuyên giải, đừng để người phản đối quấy phá. Nếu họ không giải quyết được chuyện gia đình, nghĩa là người không tin tưởng đó trực tiếp đến quấy rối, thì mình cũng đành rút lui, chứ không biết cách nào khác hơn. Thương xót người bệnh, chúng ta chỉ còn có cách đem cái tên của bà Cụ về để trong niệm phật đường để hồi hướng công đức cho Cụ. Cách xử trí của chúng ta giới hạn đến mức là đình chỉ hộ niệm, chứ không phải là cực lực phản đối gia đình.
Xin chư vị hộ niệm nhớ cho, chúng ta phát tâm hộ niệm luôn luôn phải thuận duyên, không được phan duyên mà tự chuốc lấy phiền não. Còn duyên chúng ta quyết tâm hộ niệm giúp người vãng sanh, không thuận duyên chúng ta lặng lẽ rút về tự lo niệm Phật tu hành lấy, chứ không được phản đối, hoặc đấu tranh với nhau. Tất cả mọi hành động tranh luận, cãi cọ, hơn thua, thắng bại… không phải là điều tốt đẹp. Người hộ niệm quyết không tham dự vào.
Thành ra, cực lực phản đối là điều không cho phép trong thế giới hộ niệm. Thế gian từ trước đến giờ chưa có kinh nghiệm qua hộ niệm, ít người biết đến đường tu hành vãng sanh, do đó họ lợt lạc với Pháp Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh là chuyện thường tình. Trong thời mạt pháp này, hầu hết người học Phật thường tu theo các đường trong sanh tử luân hồi, chứ ít có người thực sự tu theo các pháp giải thoát. Người Phật tử lâu lâu đến chùa lạy Phật vài ba lạy, cầu Phật cho mình được khỏe mạnh, cầu Phật cho mình được buôn mau bán đắt, cầu Phật cho mình được trúng số, cầu Phật cho mình được thăng quan phát tài, v.v… Họ tưởng như vậy là tu hành, nhưng thực sự đây là cách tu theo đường đọa lạc! Đối với họ, khi chúng ta nói đến pháp tu để vãng sanh thành Phật là một điều hết sức lạ lùng, ngỡ ngàng, khó tin!…
Người không tin pháp niệm Phật rất nhiều. Suy cho cùng lý, không tin vào pháp môn niệm Phật vãng sanh chỉ vì thiện căn không có. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật dạy:
Vãn tích nhược bất tu phước huệ,
Ư thử Chánh Pháp bất năng văn!
Nghĩa là, nếu như trong quá khứ người nào chưa tu tích đầy đủ được phước huệ, thì đời này khi gặp chánh pháp này không thể tin tưởng, không thể cảm nhận, không tu theo được. “Chánh Pháp” trong kinh Vô-Lượng-Thọ chính là Niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Chữ “Văn” là gồm nghĩa: Văn-Tư-Tu, nghĩa là thực hành theo chánh pháp này.
Chính vì vậy, người nào không tin vào pháp niệm Phật vãng sanh là do duyên phần của họ, đành rằng phải chờ cho họ tu thêm cho đến khi nào thiện căn phước đức có đủ rồi người ta mới tin sau, chứ bây giờ không biết làm sao hơn!…
Vậy thì xin thưa với chư vị, không được phản đối. Tất cả đều do duyên. Phật không độ được kẻ vô duyên. Chúng ta là phàm phu, chỉ có thể giúp ích nhau khi thuận duyên mà thôi, không cách nào khác được vậy.
(i): Cần động viên gia đình tin tưởng và quyết lòng niệm Phật hộ niệm cho người thân vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Chắc không? – (Chắc!). Thì Diệu Âm cũng nói chắc luôn. Trong hoàn cảnh người thân sắp mất, nghĩ đến cảnh sanh tử biệt ly, nhiều khi họ rối lên mà làm nhiều điều sai lầm. Gặp phải trường hợp này, mình nên động viên tinh thần họ, khuyến tấn họ đừng nên yếu lòng mà làm điều sai lầm nữa. Hãy tin tưởng Phật pháp, cố gắng cứu giúp nhau vãng sanh.
Những điều thường gặp nhất là người thân bi lụy, u buồn trước mặt người bệnh. Mình cố gắng khuyên giải họ đừng nói lời bi quan, đừng tỏ ra u sầu trước mặt bà Cụ, hãy tìm cách động viên tinh thần để bà Cụ phấn khởi lên niệm Phật, khuyên bà Cụ hãy coi đây là cơ hội tốt vì sắp được vãng sanh thành đạo, sắp hưởng thọ cảnh an vui, thoát tất cả sự khổ đau. Muốn người bệnh vững tinh thần thì người thân phải vững tinh thần. Muốn người bệnh vui vẻ thì con cháu phải vui vẻ. Muốn cho bà Cụ được vãng sanh thì mọi người đều tha thiết cầu nguyện cho Cụ vãng sanh, thì tâm tâm mới cảm ứng mà làm cho bà Cụ vươn lên, tươi vui niệm Phật.
Nếu người thân không chịu mở tâm hiểu đạo, cứ bám vào tình chấp thế gian, cứ cho rằng người thân sắp chết thì phải khóc, phải than… đối với Phật Pháp những hành động này là một sự sai lầm, gây nên đại nạn cho người chết, khiến cho người thân yêu của mình rơi vào chốn đọa lạc khổ đau! Cho nên, tình thương mà thiếu trí huệ thường gây đại họa cho nhau. Nếu người hộ niệm khuyên can người thân mà họ không nghe thì chuyển thành vô duyên, cuộc hộ niệm không thể tiến hành được.
Xin thưa với chư vị, nói đến một việc liên quan đến đạo lý giải thoát, nhiều khi mình phải giảng lên giảng xuống nhiều lần, tìm mọi phương tiện thiện xảo để khuyên giải, nhưng chưa chắc gì người đời dễ dàng tin theo. Chính vì vậy, ách nạn của chúng sanh vẫn còn nặng lắm, cơ hội vãng sanh được Phật đưa đến tận mũi bàn chân, nhưng con người chết đi theo đường đọa lạc vẫn chen nhau sắp hàng dài vô tận!…
Thực tế thì người thế gian tạo ra không biết bao nhiêu cơ cầu gây đau khổ cho nhau. Tham dự những đám tang, có nhiều người chủ trương làm sao cho thân nhân con cháu trong gia đình phải khóc cho nhiều họ mới cho là đúng. Nếu người thân không khóc, họ phải cất lên những giọng bi ai não nuột, hoặc đọc những lời điếu tang thảm thiết, để cho con cháu phải đau thương cất lên tiếng khóc nức nở mới được.
Xin thưa với chư vị, người thế gian không biết đường giải thoát họ hành động sai lầm là việc dễ hiểu, nhưng chúng ta là người học Phật, thì không nên phạm phải những sai lầm đáng trách này. Phật dạy: “Bất cát ái bất ly Ta-Bà”. Người dẫu có tu hành, nhưng khi chết mà tâm hồn còn luyến lưu con cái, chấp vào danh vọng, nhà cửa, sự nghiệp… thì không thể thoát khỏi sanh tử đọa lạc. Ấy vậy mà chúng ta thường thấy ở những đám tang, nhiều người còn chủ trương xúi dục cho con cháu khóc than, khóc càng nhiều thì buổi tiễn đưa càng thêm đậm đà, lệ tuôn càng nhiều thì cuộc tang lễ càng thêm thấm thía! Có tốt lắm không vậy? Chẳng lẽ tìm cách trói chặt linh hồn người chết vào chuyện gia đình, bắt hương linh đó phải quyến luyến con cháu để chịu đọa lạc mà tốt lắm sao?… Thật sự là nạn thêm nạn đấy. Đau đớn thay!…
Chính vì thế, xin thưa với chư vị, đi đến thời mạt pháp rồi không dễ gì tìm ra được một sự hành đạo đúng theo chánh pháp đâu. Khi biết được Pháp Hộ-Niệm rồi, chúng ta mới giựt mình tỉnh ngộ, mới thấy rõ ràng nhiều người đã mặc nhiên làm sai lời Phật dạy. Sanh tử biệt ly thì ai mà không buồn, nhưng buồn hơn nữa chính là người ra đi chịu thêm quá nhiều ách nạn, quá nhiều khổ đau bởi những hành động sơ ý của người còn sống!… Người thế gian không biết đạo thì cũng đành phải chấp nhận, nhưng người có tu học Phật mà không chịu nghiên cứu cẩn thận kinh giáo của Phật, cứ tiếp tục làm điều sai lầm. Thật quá đáng tiếc vậy!…
Khi nghiên cứu kỹ Pháp Hộ-Niệm rồi, chúng ta mới thấy rõ ra những điểm hết sức thiết thực để vươn lên, những điều sơ suất rất gần gũi để sửa đổi. Thật sự những điều sai lầm cụ thể, đơn giản, gần gũi, chứ không có gì xa lạ, chỉ vì người học Phật chúng ta chưa có duyên để biết qua nên vô tình phạm phải nhiều sai lầm mà không hay đó thôi.
Người thế gian thường nói rằng, một gia đình có người thân chết, họ đối diện với cảnh sanh tử biệt ly, là sự đau lòng nhứt của đời người, thì tại sao lại cấm người ta khóc, không cho người ta ôm nắm để tỏ lòng thương tiếc, không cho người ta kêu than để trút nỗi bi ai? Thực ra, xét về mặt tình cảm thế gian thì đúng đấy, vì đau lòng trước cảnh biệt ly, vì thương tiếc người thân nên con cháu mới làm như vậy. Nhưng Phật dạy, những hành động này vô tình đã gây nên sự đọa lạc vô cùng khổ đau, đày đọa thần thức người chết vào sâu trong ba đường ác thật quá tội nghiệp! Chính vì vậy mà chúng ta thường xuyên nhắc đến điều sơ suất này, để mong cảnh tỉnh được nhiều người, đừng sơ ý phạm phải mà gây đau thương cho người thân yêu, tội nghiệp họ lắm.
Xin thưa với chư vị, khi biết được chánh pháp rồi, mong chư vị phải tu cho vững, phải hành cho đúng, đừng nên sơ suất nữa thì mới có cơ hội thoát vòng luân hồi khổ nạn. Khi biết đạo rồi, phải tu cho thẳng, phải hành cho chánh, đừng chao đảo nữa thì mới được vãng sanh thành đạo. Nếu tâm đạo không vững, tu hành không chánh thì mình sẽ bị đọa lạc như hàng ức triệu người tiếp tục chịu ách nạn hàng ngày vậy thôi chứ có cách nào khác hơn!
Các Cụ tuổi đời đã lớn, hãy kiểm lại trong suốt 7-8 chục năm qua, các Cụ chứng kiến biết bao nhiêu người ra đi chịu nhiều ách nạn, trong đó tìm đâu ra được một người liễu sanh thoát tử vượt qua tam giới! Khó tìm thấy phải không? Xin hỏi tại sao vậy? Phải chăng vì người tu hành mà không thực hiện theo đúng lời Phật dạy. Thời mạt pháp này ách nạn đọa lạc quá nặng nề, hàng phàm phu nghiệp nặng mà không nương nhờ pháp niệm Phật để đới nghiệp vãng sanh, thì làm sao thoát được tam đồ ác đạo?
Chúng ta hôm nay gặp được Pháp Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh, một pháp đã cứu độ vô số người thành tựu rồi, hàng ngày đều có tin lành hộ niệm vãng sanh, thì xin chư vị hãy vững lòng mà đi, hãy tự chủ giữ lấy cơ duyên thành đạo, phải quyết lòng niệm Phật để đi về Tây-Phương Cực-Lạc nhé. Cơ hội này chỉ có một lần trong vô lượng kiếp qua. Nếu để mất cơ hội này, tìm đâu ra một cơ hội khác để vãng sanh đây? Trong vô lượng kiếp nữa ai bảo đảm rằng mình có may mắn gặp một cơ hội tương tự để hi vọng thoát nạn? Thời này đã mạt pháp rồi, một năm Phật pháp sẽ yếu hơn một năm, 10 năm sau Phật pháp sẽ yếu hơn 10 năm trước, nhất định như vậy. Xin chú ý một chút sẽ thấy rõ vấn đề, chánh pháp sẽ mạt dần cho đến ngày diệt pháp, thì làm sao chúng ta có hi vọng gặp lại chánh pháp được?
Vậy thì, người nào đã biết đường vãng sanh thì hãy thẳng đường mà đi. Người nào đã thấy rõ cơ hội giải thoát thì phải tự mình thắp đuốc mà tiến, phải tu theo đúng pháp Phật đã chọn, phải hành theo đúng đường Phật đã chỉ, đừng nên sơ ý tách ra mà lạc mất chánh đạo, làm cho đường tu hành quá khó khổ nhưng cuối cùng không dễ gì tìm ra được một người thành tựu.
Quyết lòng thành tâm niệm phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì có cơ hội giải thoát trong một đời này. Cơ hội cho chính mình được vãng sanh sẽ mạnh hơn, vững hơn, rõ ràng hơn, thành tựu bất khả tư nghì hơn nhờ được hộ niệm trợ duyên. Thật sự Pháp Hộ-Niệm là đại cứu tinh, kịp thời cứu từng người thoát nạn sanh tử đọa lạc, vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Mong chư vị ai ai cũng tỉnh ngộ đường tu hành, để một đời này được vãng sanh, một đời này được thành đạo.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.