Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 46)
Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 46)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin mở trang 22, câu 20: Những điểm khác nhau giữa hộ niệm và cầu an.
(a): Mục đích của hộ niệm là giúp người vãng sanh thành đạo, còn mục đích của cầu an là cầu tiêu tai giải nạn khi bị nạn hoặc đau bệnh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Hộ niệm là một quá trình tu tập, gỡ rối cho người phàm phu như chúng ta những ách nạn mà vô hình chung mình tạo ra trong suốt thời gian sinh sống. Đời này tạo nghiệp thì chúng ta có còn thể nhớ một vài phần, chứ còn đời trước, nhiều đời trước nữa, làm sao biết được. Xin hỏi, có ai biết được đời trước mình làm gì không? Không biết! Thực sự nghiệp chướng của chúng ta nhiều lắm, không ít đâu. Chính vì nghiệp chướng quá nhiều, quá rắc rối, nên nếu không có phương pháp nào cụ thể, hữu hiệu để hóa giải, thì thông thường chúng ta tu hành để tìm phương giải nạn, nhưng thực tế thì cứ vướng nạn mãi, vì chúng ta cứ tạo nghiệp mãi thôi.
Suy cho cùng, mục đích của Pháp Hộ-Niệm là giúp cho mọi người cách hóa giải những ách nạn của mình. Nếu hóa giải được ách nạn rồi, thì chúng ta vĩnh viễn thoát khỏi ách nạn và sống trong thế giới an lành, vô sanh vô tử. Vậy thì xin thưa với chư vị, nếu nói về ý nghĩa cầu an, phải chăng chính Pháp Hộ-Niệm này là một pháp đại cầu an, chứ không phải là tiểu cầu an đâu. Xin chư vị suy nghĩ thử có đúng không?
Một người đang bị trong cơn nghiệp khổ, mình tới khuyến tấn, ủng hộ tinh thần, giúp cho người ta vui vẻ niệm Phật. Một người đang bị oán thân trái chủ đánh phá tơi bời, khủng hoảng lo sợ, mình tới cầm tay khuyến tấn, nâng đỡ tinh thần lên, điều giải oán nạn giúp họ an tâm không còn lo sợ nữa, không còn khủng bố nữa. Như vậy rõ ràng Pháp Hộ-Niệm là pháp đại cầu an chứ không phải tiểu cầu an.
Nhiều người mỗi khi có bệnh thì lập đàn cầu an. Nhưng xin thưa với chư vị, tất cả các pháp môn tu học, pháp nào cũng bao hàm ý nghĩa cầu an cả, chứ không phải lập đàn xin cầu an mới gọi là cầu an đâu. Cũng như hộ niệm thì tất cả các pháp môn đều có ý hộ niệm hết, sám hối thì tất cả pháp môn đều sám hối hết. Một là tất cả, tất cả là một. Nếu hiểu cho rộng ra thì mọi pháp môn đều bao dung nhau. Như vậy nếu nói về “Cầu An” thì chúng ta nên đặt vấn đề cầu an như thế nào cho đúng với chánh pháp đó là điều cần nên chú ý.
Đạo Phật không phải là một tôn giáo theo kiểu Thần-Giáo, để chúng ta tới cúi lạy cầu xin Thần Linh giúp cho mình tiêu tai giải nạn. Phật không dạy như vậy. Phật dạy chúng ta cần hiểu cho thấu rằng mọi hiện tượng trong vũ trụ nhân sanh này đều có nhân duyên quả báo. Phải tạo nhân lành để hưởng quả lành. Ví dụ như muốn cầu phước, Phật không dạy chúng ta đến quỳ trước bàn thờ Phật cầu xin Phật ban cho ta được phước lành, được tiền bạc, được giàu có. Không phải vậy, mà Phật dạy chúng ta muốn cầu phước thì phải biết bố thí giúp người. Bố thí tiền tài là nhân, sẽ gặt hái quả báo là có tiền tài. Chúng ta thương người, nâng đỡ người là nhân, sẽ được kiên khang tráng kiện là quả. Rõ ràng Phật dạy chúng ta về định luật nhân quả. Chúng ta không chịu làm theo lời Phật dạy, mà cứ quỳ trước Phật cầu Phật cho được khỏe mạnh, cho được an khang, cho được giàu có… Rõ ràng chúng ta đã lầm lẫn biến chư Phật Bồ-Tát thành những vị Thần Linh để cầu xin. Phật không thể biến đổi định luật nhân quả, thì có Thần Linh nào lại có thể biến đổi được định luật nhân quả?
Cầu an cũng vậy, nhiều người gặp cơn bệnh khổ, gặp điều hoạn nạn thì tìm Thầy lập đàn cầu an, cầu tiêu tai giải nạn. Hãy chú ý theo dõi thử họ có thực sự được tiêu tai giải nạn không?
Thực ra, nếu nói cầu an thì chính Pháp Hộ-Niệm là một pháp cầu an tuyệt vời. Vì sao vậy? Vì người hộ niệm giúp cho người bệnh an tâm niệm Phật. An tâm không phải là cầu an sao? Người bệnh đang bị khủng hoảng, lo sợ, hãi kinh, tâm thần tán loạn, người hộ niệm giúp cho họ an tịnh lại, không sợ sệt nữa, không lo âu nữa, thì đúng là cầu an rồi chứ còn gì nữa. Nhưng Pháp Hộ-Niệm hướng dẫn dùng tín nguyện sâu niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ mà vượt qua 6 đường luân hồi thành tựu đạo quả, chứ không hướng dẫn chúng ta quì lạy xin Phật Bồ-Tát cho mình hết bệnh, cho mình hết nghiệp. Những người lập đàn cầu an thường cầu xin Quỉ Thần ban phước lành, giúp giải nạn, thường coi chư Phật Bồ-Tát như những vị Thần Linh để cầu xin. Thực sự điều này hoàn toàn sai với chánh pháp.
Chư vị cứ nghĩ coi, hồi giờ có người nào cầu xin mà được không? Phật dạy về nhân quả. Rõ ràng Pháp Hộ-Niệm này ứng dụng định luật nhân quả. Niệm Phật là Nhân, Thành Phật là Quả. Người nào tin vào câu A-Di-Đà Phật là chứng tỏ trong nhiều đời nhiều kiếp họ đã có thiện căn, phước đức lớn rồi. Khuyên họ mau mau gôm tựu thiện căn, phước đức đó về đây và tiếp tục niệm Phật để đi thành Phật. Rõ ràng, vì những người đã có thành quả niệm Phật rồi, bây giờ lấy cái thành quả đó trở về Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật. Niệm Phật thành Phật thì làm sao không được an vui.
Rõ ràng Pháp Hộ-Niệm là pháp đại cầu an, chỉ vì chúng ta không hiểu thấu lý đạo này, nên cứ gặp bệnh thì cầu xin Phật Bồ-Tát cho mình hết bệnh, vô tình làm sai pháp Phật, đem một pháp an lành cho cả một huệ mạng bất sanh bất diệt, an vui vĩnh viễn, giờ đây lại vùi vào túi thịt này để cầu xin một chút lợi lạc tạm bợ vô thường!…
Hiểu được như vậy chúng ta mới thấy là tu hành cần phải đúng Lý, đúng Sự. Đúng Lý là hiểu thấu pháp, đúng Sự là thực hành cho đúng pháp. Nhiều người cứ đem tình thức ra nghĩ sao làm vậy nên sai lệch quá nhiều. Mỗi khi bệnh xuống thì van vái cầu xin Phật Bồ-Tát cho mình hết bệnh. Cầu không được lại cho rằng Phật Bồ-Tát không linh, mà không chịu nhận ra mình tu hành không đúng chánh pháp.
Pháp Hộ-Niệm không dạy mình cầu xin hết bệnh, mà dạy hãy an nhiên chấp nhận cơn bệnh, luôn luôn quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, vậy mà thường khi bệnh tình lại chóng bình phục. Thật là điều lạ lùng! Trước đây chính Diệu Âm này là một người bệnh hoạn, bệnh đến nỗi có tháng phải chở đi cấp cứu hai lần. Đến lúc nạn quá, Diệu Âm không thèm lo lắng về bệnh nữa, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh. Trong khi nhiều người niệm Phật thì an khang tráng kiện, còn mình niệm Phật thì bệnh rề rề, buồn quá nên tính đến chuyện niệm Phật cho vãng sanh luôn. Diệu Âm có chứng bệnh chóng mặt, ói mửa rồi xỉu. Lạy Phật vài ba lạy thì chóng mặt chịu không nổi, nên chuẩn bị một ngày đó lạy Phật cho vãng sanh luôn. Khi đã quyết lòng, nhất định không sợ nữa, không cần gì nữa. Ngày hôm đó Diệu Âm quì trước Phật nguyện vãng sanh, rồi bắt đầu niệm Phật, lạy Phật, quyết lạy cả hàng ngàn lạy cho xỉu xuống, đi vãng sanh luôn. Không ngờ quyết tâm lạy cho chết mà không chết, nhưng lại hết bệnh…
Lúc đó mới giựt mình tỉnh ngộ ra đạo lý đừng quá nô lệ vào cái thân này, thì cái thân này cũng không thể báo hại mình quá đáng được. Niệm Phật phải biết niệm cho đúng pháp, thì tự nhiên mình là một hành giả chuẩn bị về Tây-Phương Cực-Lạc. Tu hành hợp với đại nguyện của Ngài, thì tự nhiên hết bệnh chứ không phải cầu xin hết bệnh mà được hết bệnh. Hiểu được như vậy mới thấy rằng, Pháp Hộ-Niệm này suy cho cùng ra lý đạo cao tột đấy, không phải thấp đâu.
(b): Hộ Niệm là cả một quá trình tu học để thành tựu đạo quả, còn Cầu An chỉ thực hiện khi nghiệp chướng hiện hành rồi tìm cách hóa giải.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Cứ đợi nước đến chân rồi mới nhảy, nghiệp tới nơi rồi mới la hoảng lên là cách cầu an, còn hộ niệm là dạy cho chúng ta phải chuẩn bị, nhất định phải chuẩn bị trước.
Cách đây hai ngày, Cụ Phạm Thị Thanh ở bên Tiệp, là người bị nghiệp chướng đánh phá mười mấy năm trường. Cụ không nằm được mà phải ngồi mãi đến nỗi đôi chân bị hoại luôn. Nhìn cảnh đau đớn của Cụ mà mình cảm thấy ngỡ ngàn, xót xa!…
Nhưng ban hộ niệm đến đâu phải là để cầu an cho Cụ, mà chính là nâng đỡ tinh thần, khuyến tấn Cụ chấp nhận cái nghiệp này, quyết lòng niệm Phật trở về Tây-Phương. Ban hộ niệm khuyên người thân con cháu trong gia đình tích cực hỗ trợ tinh thần cho Cụ, không sợ chết, sẵn sàng xả bỏ cái thân tàn tạ này, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ. Năm ngày trước khi ra đi tự nhiên Cụ tỉnh táo lại như một người bình thường. Chư vị thấy đó, vi diệu không?
Tại sao Cụ bị nạn vậy? Trong cuộc đời này và nhiều đời trước đã sơ ý vụng tu, tạo tác nghiệp ác, sát sanh hại vật, v.v… nay quả báo ứng hiện về. Ban hộ niệm khuyên con cái phát tâm mua cá, mua chim, phóng sanh hồi hướng cho cụ. Ban hộ niệm và con cháu thay phiên nhau niệm Phật bên cạnh Cụ, năm ngày trước khi xả bỏ báo thân, tự nhiên Cụ tỉnh táo lại như một người bình thường, sáng suốt thực hiện từng điều ban hộ niệm dặn. Trong khi những ngày trước đó, bà Cụ rên la suốt ngày, lúc mê lúc tỉnh, mặt mày không còn thần sắc nữa vì sự khủng hoảng, bất an, đau đớn. Phải chăng khi quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh về Tây-Phương, thì câu Phật hiệu đã sa thải đi những nghiệp chướng hiện hành, được từ lực của Phật gia trì làm cho Cụ an lành để chờ ngày vãng sanh? Đây có phải là Pháp Hộ-Niệm đã bao gồm cả pháp cầu an không chư vị?
Thành tâm niệm một câu A-Di-Đà Phật thì câu Phật hiệu đi vào tâm xua tan nghiệp chướng. Hãy tưởng tượng như một cái ly đã tràn đầy nước bẩn, bỏ một cục thanh châu vào ly thì nước bẩn tràn ra. Nước bẩn tượng trưng cho nghiệp chướng. Thế nên, có nhiều người niệm Phật, tự nhiên thấy nào là vọng tưởng, ý nghĩ sàm bậy, tư tưởng bất chánh hiện ra… Thực ra, tất cả những thứ tội chướng đã có tràn ngập trong tâm rồi, khi niệm câu Phật hiệu như bỏ vào tâm từng viên ngọc thanh châu, làm cho tội chướng phải trào ra. Niệm Phật càng nhiều tội chướng càng trào ra nhiều. Khi gặp trường hợp này, xin chư vị đừng lo ngại, cứ tiếp tục niệm Phật thì đến một lúc nào đó sẽ hết. Tội chướng hết trào ra tức là tội chướng tiêu trừ. Không cầu tiêu nghiệp nhưng nghiệp tự tiêu, đây chính là một pháp cầu an một cách tự nhiên, vi diệu vô cùng.
Ấn Tổ dạy:
Niệm Phật phương năng tiêu túc nghiệp,
Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm.
Niệm Phật có năng lực tiêu trừ nghiệp chướng từ trong vô lượng kiếp, kiệt thành chí thành niệm Phật tự câu Phật hiệu có khả năng chuyển tâm phàm này thành Phật.
Nhờ đạo lý này giúp chúng ta hiểu thấu tại sao Pháp Hộ-Niệm có thể cứu vô lượng vô biên người niệm Phật vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, nhiều đến nỗi bây giờ không còn cách nào có thể đếm được là vậy đó.
Hộ niệm là cả một quá trình tu tập để thành tựu đạo quả. Biết mình nghiệp chướng nặng nề rồi thì giờ này nghiệp chướng đổ ra, xin hãy bình tĩnh đi, nhẹ nhàng đi, chấp nhận đi, nó đổ ra mình mừng đi. Nghiệp chướng ứng hiện thành bệnh. Bệnh đến giúp mình sa thải đi một số nghiệp. Nếu lo âu sợ sệt về bệnh nhiều quá, chẳng khác gì, thay vì nó đổ ra rồi mất luôn, bây giờ mình lại hốt lại, hốt thêm cả đất cát, bùn nhơ bỏ lại vào tâm của mình. Phải chăng, nạn thêm nạn là như vậy.
Cho nên Pháp Hộ-Niệm khuyên mình không sợ nghiệp, không sợ bệnh, hãy an nhiên chấp nhận. Hãy suy nghĩ đơn giản rằng, hôm nay mình bị bệnh thì ngày lâm chung mình bớt bệnh. Bà Cụ Phạm Thị Thanh bệnh hơn 10 năm trường, đến 5 ngày trước khi lâm chung thì không còn bệnh nữa, có lẽ nhờ hơn 10 năm trường bệnh hoạn mà nghiệp theo đó tiêu đi, nên đến 5 ngày cuối cùng của cuộc đời được tỉnh táo lại để niệm Phật vãng sanh. Nếu giả sử 10 năm qua không trả nghiệp. Nghiệp chướng dồn lại đến 5 ngày cuối cùng mới trả, thì Cụ đã mê man, bất tỉnh rồi, làm sao thoát nạn được?
Rõ ràng tội phước đều do tâm tạo. Cũng là một người tạo nghiệp chướng như vậy, nhưng hiểu biết Pháp Hộ-Niệm, thì tự nhiên cảm thấy an tâm, vững vàng, không còn lo âu sợ sệt. Ví dụ Dì Út của bác sĩ Phi, bị bệnh nằm liệt trên giường hơn 20 năm. Chính hơn 20 năm chịu bệnh khổ trên giường mà Cụ đã trả được khá nhiều nghiệp chướng. Nếu hai mươi mấy năm trả nghiệp, mà cụ lo sợ, buồn tủi, rầu rĩ, sầu bi, thì nghiệp chướng đổ ra hơn 20 năm Cụ lại vơ hốt, dồn nhét trở lại vào trong thân tâm này, thì đến lúc lâm chung làm sao được thoát nạn! Nhất định Cụ phải theo nghiệp thọ nạn trong tam đồ ác đạo, chịu khổ đau vạn kiếp!… Nhưng chính vì Cụ là người hiền lành, không tranh chấp, không cự cãi, không than trời trách đất… nên bao nhiêu nghiệp chướng đổ ra cứ tiếp tục đổ ra trong suốt hai mươi mấy năm, sau cùng Cụ được nhẹ nhàng niệm Phật trở về Tây-Phương Cực-Lạc.
Chư vị thấy không, “Đắc-Thất nan truy Họa-Phước!”. Người hiểu đạo, tự nhiên biến cảnh đau khổ, bệnh hoạn thành sự may mắn. Người niệm Phật cầu vãng sanh mà sáng sợ bệnh, trưa sợ bệnh, chiều sợ bệnh… Bệnh chưa đến mà lo sợ cuống cuồng, mỗi ngày đo dò tim mạch mấy lần, lên cân, xuống cân, lúc nóng, lúc lạnh… đều phập phồng không an. Chư vị nghĩ thử, một người mà tâm hồn mãi quyện theo nghiệp khổ, thì làm sao thoát khỏi ách nạn của nghiệp khổ đây?
Những người nghĩ mãi về bệnh hoạn mà không có bệnh thì pháp Phật không linh rồi!… Nhưng những người đó mà thường bệnh lên bệnh xuống thì chứng tỏ rằng pháp Phật có linh nghiệm. Phật dạy, tất cả đều do tâm tạo. Người mà ngày ngày nghĩ về bệnh thì nhất định sẽ có bệnh, bệnh không có cũng sẽ có. Tâm mình nghĩ cái gì nó sẽ sinh ra cái đó. Người mà lo sợ bệnh, nghĩ về bệnh, nhất định bệnh phải đến, đó là điều tự nhiên.
Nghĩ về bệnh, để mang bệnh đến, thì sao bằng nghĩ về vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc để mình được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật.
Khi bệnh đến hãy nghĩ rằng đây chỉ là cơ hội cho chúng ta trả nghiệp. Khi bệnh đến là bài pháp cho chúng ta biết ở thế gian này khổ sở vô cùng, vậy thì hãy lo vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Một căn bệnh đến là một cơ hội cho mình có hi vọng vãng sanh. Nghĩ đến vãng sanh thì tâm hoan hỉ. Vô tình bệnh hoạn giúp tâm mình hoan hỉ. Tâm hoan hỉ thì tự nhiên có bệnh mà cũng như không bệnh. Đó là trạng thái tự tại trước bệnh khổ.
Xin thưa với chư vị, Pháp Hộ-Niệm không chủ trương cầu an, nhưng khi thực hành như lý như pháp thì bao hàm có một pháp cầu an tuyệt vời, giúp cho người hữu duyên thoát khỏi tất cả mọi sự sợ hãi, lo âu, phiền muộn, khổ đau trước nghiệp khổ mà an nhiên tự tại niệm Phật vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc…
Pháp Hộ-Niệm thật quá vi diệu!… Đạo lý nhiệm mầu hàm chứa trong những động tác hướng dẫn, khai thị đơn giản, thực tiễn giúp cho người niệm được câu “A-Di-Đà Phật” cầu sanh Tịnh-Độ mà được vãng sanh thành Phật. Tạo cơ duyên cho một người vãng sanh thành Phật, có công đức nào lớn hơn.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.