Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 32) | Những Gì Có Thể Làm Được Khi Hộ Niệm? Người Ra Đi Với Thoại Tướng Tốt Tại Sao Chưa Chắc Được Vãng Sanh Tây-Phương Cực-Lạc?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm

(Tọa đàm 32)

 Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Tại sao người ra đi có thoại tướng tốt chưa chắc được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc?

Trang 18, câu trả lời (d): Người tu hành phước lớn nhưng nghiệp chưa sạch, thì ra đi dù có thân tướng tốt cũng chỉ được sanh lên một cảnh Trời để hưởng phước chứ không phải vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Đây là nói về người tự lực tu chứng. Thường thường tự lực tu chứng người ta tu rất là tinh tấn, ý chí rất kiên cường, làm thiện làm lành nhiều lắm. Tu hành như vậy rất tốt, nhưng về phần nghiệp-hoặc thì không dễ gì phá được. Xin thưa thẳng rằng, không dễ gì phá được nghiệp chướng đâu. Nhưng khi đã có sức tu nhiều, công phu lớn, đức hạnh cao, thì phước báu sẽ rất lớn. Phước báu lớn thì dễ theo đường phước đi về những cảnh giới lành thọ hưởng. Trong sáu đường luân hồi, những cảnh giới Trời, cảnh giới A-Tu-La, cảnh giới Người thuộc về những cảnh giới lành. Cảnh giới Thiên cũng có nhiều cõi khác nhau như: Dục-Giới Thiên, Sắc-Giới Thiên, Vô-Sắc-Giới Thiên. Những người sinh lên được Sắc-Giới Thiên và Vô-Sắc Giới Thiên là đã có sự tu chứng. Người tu Thiền Định, nếu chứng được từ Sơ-Thiền cho đến Bát-Định, được sinh về những cảnh giới đó. Tổng quát là như vậy, chứ thực tế thì còn nhiều yếu tố khác chi phối vào, không dễ dàng gì lên đến đó đâu.

Như chúng ta biết, có những vị ngồi trong Thiền-Định vài ba tháng, nhưng cũng chưa vào được Sắc-Giới Thiên, nghĩa là chỉ sanh vào những cảnh trời trong cõi Dục-Giới. Thế mới biết, cách tu hành này đối với hàng phàm phu chúng ta đây thật khó khăn vô cùng! Công phu của các vị quá tốt, có định lực cao như vậy, mà sau cùng không vượt nổi tam giới. Nếu các Ngài có duyên niệm Phật, xin thưa với chư vị, các Ngài có thể vãng sanh tuyệt vời, vãng sanh tốt lắm. Sức định có sẵn, tâm thanh tịnh, công phu vững, nếu chuyển qua niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ, rất dễ thực hiện công phu thành phiến, hơn nữa cũng có thể đạt tới Nhất-Tâm Bất-Loạn mà vãng sanh bất khả tư nghì. Hàng phàm phu chúng ta nghiệp sâu, chướng nặng, tâm ý thì chưa khai mở, chưa có sức định, như vậy mà nhờ Pháp Hộ-Niệm đã có rất nhiều người đã được vãng sanh thay, huống chi là những người tự lực tu luyện với công phu cao làm sao lại không được vãng sanh? Đáng tiếc các Ngài đã không chọn pháp Nhị-Lực, Niệm-Phật cầu Phật tiếp độ vãng sanh.

Pháp Tự-Lực quá khó, nên chỉ dành cho hàng thượng căn thượng trí mới làm được. Chư vị nghĩ thử, Tổ Sư Thiền-Tông Bồ-Đề Đạt-Ma từ bên Tây-Trúc qua Đông-Độ truyền dạy pháp môn Thiền-Định. Một đời hành đạo Ngài cứu được bao nhiêu người thành tựu? Vì căn tánh chúng sanh thấp kém, đâu dễ gì tìm được mấy ai xứng hợp với đạo pháp của Ngài? Khó vô cùng, đến nỗi mà Ngài đành phải ngồi diện bích 9 năm mới tìm ra một vị đệ tử để truyền Pháp, rồi quảy dép quay về lại bên Ấn-Độ. Một pháp môn tu tối thượng, cần đến người thượng trí để truyền thừa, nhưng làm sao tìm được người thượng trí thứ hai?… Khó quá!… Thực sự quá khó đối với hàng phàm phu chúng ta.

Câu (e): Chỉ có người niệm Phật tha thiết cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, giữ vững ý niệm này đến lúc buông bỏ báo thân ra đi để lại thoại tướng tốt mới được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Một người dẫu tu hành rất tốt, khi ra đi để lại thân tướng rất đẹp, có hương thơm, có xá lợi, nhiều khi biết được ngày giờ ra đi, nhưng không phải họ vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, tại vì họ không nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Đường tu của họ là tự lực tu chứng, chứng tới mức nào họ trở về một cảnh giới tương ứng với mức chứng đó, chứ không phải là vãng sanh Tịnh-Độ. Nhưng nếu một người ra đi với thân tướng đẹp như vậy mà quá trình tu học của họ là quyết niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, rồi trước những giây phút xả bỏ báo thân, họ vẫn quyết lòng niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì với cái thân tướng đó thì ta tin tưởng vững vàng rằng đã vãng sanh. Vì sao vậy? 10 niệm tất sanh. Cái ý niệm cuối cùng quyết định đời kiếp tương lai của họ. Những người suốt cuộc đời niệm Phật, tin tưởng vững vàng, tha thiết nguyện vãng sanh, đến lúc lâm chung niềm tin tưởng vẫn còn vững vàng, đau gì thì đau họ vẫn quyết lòng vãng sanh, bệnh gì thì bệnh họ cũng quyết lòng vãng sanh, khổ gì thì khổ họ vẫn quyết lòng niệm câu A-Di-Đà Phật, nhiều người niệm cho đến hơi thở cuối cùng rồi buông tay ra đi, dẫu rằng người ta không báo được là đi theo A-Di-Đà Phật, nhưng mình vẫn tin tưởng họ được vãng sanh.

Tại sao họ nói không được lời nào? Vì nghiệp chướng của họ vẫn còn nặng quá, bị nghiệp chướng đánh phá mệt nhoài đến nỗi nói không nổi. Dù mệt mỏi rã rời, nhưng ý chí kiên cường, họ quyết lòng niệm Phật để vãng sanh. Xin thưa với chư vị, 10 niệm 1 niệm tất sanh dành cho những người này đây. Ngài Ngẫu-Ích Đại Sư nói, người nào có lòng tin vững vàng không lay chuyển, tha thiết nguyện sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì dẫu cho tán tâm niệm Phật, loạn tâm niệm Phật cũng được vãng sanh. Trong quá trình hộ niệm tại Việt Nam, rất nhiều trường hợp ra đi trong diện này, tức là họ bị nghiệp chướng đánh tơi bời, oán thân trái chủ báo đời, nhưng mà nhờ ban hộ niệm túc trực bên cạnh ngày đêm khuyên răn, vỗ về, an ủi, khuyến tấn, điều giải oán thân trái chủ, khiến cho tinh thần của họ mạnh lên. Một khi tinh thần người bệnh mạnh mẽ lên mình có thể thấy rõ, nhưng vì sức khỏe quá yếu làm cho họ cất tiếng niệm Phật không nổi nữa, ban hộ niệm niệm Phật rất mạnh bên tai của họ và nhắc nhở họ thầm niệm theo, ấy thế mà khi ra đi xong, thân tướng bắt đầu chuyển hóa, tướng lành liền hiển hiện rõ rệt. Đó gọi là hiện tượng 10 niệm 1 niệm tất sanh.

Hỏi rằng, giả sử những người niệm Phật khi ra đi trong tình huống đầy khổ nạn như vậy, nếu không có người hộ niệm giúp đỡ bên cạnh, liệu họ có thể vãng sanh được không? Rất khó, rất khó!… Thực sự rất khó! Là phàm phu, một vạn người ra đi một vạn người lâm vào tình trạng này, không có sự hộ niệm, tìm đâu ra một người thoát nạn. Pháp Hộ-Niệm trở thành đại cứu tinh cho chúng sanh trong thời này là vậy đó.

Xin thưa với chư vị, ở đây chúng ta liên tục nói về hộ niệm, sẽ từng bước nói cho đến hết cuốn sách này luôn. Đây là cả một khóa trình từ thấp nhất cho đến cao nhất, từ sơ đẳng nhất cho đến thâm nhập thẳng vào cốt tủy của Pháp Hộ-Niệm luôn. Nương theo những lời thô thiển này, hi vọng chư vị sẽ hiểu thấu Pháp Hộ-Niệm, và sẽ hành đúng Pháp Hộ-Niệm. Khi hiểu thấu và hành đúng rồi, tự nhiên chư vị có cơ duyên giúp người vãng sanh.

Hiểu-Thấu thuộc về Lý của Pháp Hộ-Niệm; “Hànhúng thuộc về Sự Hộ-Niệm, tức là thực hành đúng Pháp Hộ-Niệm giúp cho người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Như vậy, “Hiểu-Thấu Hành-Đúng” có nghĩa là làm “Như Lý Như Pháp” vậy.

Thực hành mà không hiểu thấu lý thì dễ bị chao đảo, khi gặp chuyện khó khăn dễ thoái tâm, gặp chuyện lạ lại hiếu kỳ, thấy điều gì hay hay thì tâm ý liền chuyển đổi. Những người tâm không chủ định, tâm không được vững chỉ vì chưa hiểu thấu lý, thường làm theo tùy hứng, chạy theo đường này chạy theo đường nọ, thêm bớt lung tung, đến một lúc nào đó biến Pháp Hộ-Niệm không còn là chánh pháp nữa!… Đây là một điều cần nên đặc biệt chú ý.

Hiểu Lý rồi mà thiếu Thực Hành, thì khi bước vào thực tế thường bị lúng túng, khó giải quyết vấn đề suông sẻ. Ví dụ, như nói thẳng ra, là những người ở nước ngoài như chúng ta rất ít có dịp thực hành Pháp Hộ-Niệm, lâu lâu mới có một người. Vì vậy, Lý thì hiểu chút chút, nhưng mà khi ráp vào hộ niệm thường bị choáng váng, hoang mang, mất bình tĩnh, không còn sáng suốt nữa. Ví dụ, đưa trường hợp tại niệm phật đường mình khi hộ niệm cho bác Quảng-Chương, chư vị sẽ thấy hiện tượng khó khăn đó. Tại sao Bác Quảng-Chương một lòng một dạ quyết tâm vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, Bác tha thiết đến nỗi Bác đọc lời nguyện vãng sanh của Bác vào máy rồi mở ra để cho mọi người trong gia đình nghe và cũng là để nhắc nhở cho chính Bác. Tâm Bác đã vững vàng như vậy, nhưng nghiệp chướng của bác cũng không dễ dàng tha cho Bác. Trước một ngày ra đi, bác bị té gãy tay, lọi xương. Chư vị nghĩ thử, một người bị ung thư sắp chết, căn bệnh hành hạ đau đớn vô cùng, lại bị tai nạn gãy tay, đưa vào bệnh viện thì mê man bất tỉnh, nằm chờ tắt hơi.

Với nguyên tắc còn nước còn tát, bệnh viện chuẩn bị giải phẫu sắp xương. Với hiện tình của Bác Quảng Chương mà giải phẫu thì chắc chắn phải chết giữa lúc đang phẫu thuật liền. Hiện tượng thấy rõ rệt như vậy, bác sĩ cũng chấp nhận tình trạng bất ổn này. Xin thưa với chư vị, nếu không có người vững vàng về hộ niệm, quyết lòng tìm mọi cách xuất viện đưa về nhà kịp thời để hộ niệm, thì đêm dó Bác đã chết ngay trên bàn mổ trong bệnh viện, thì làm sao có thể hộ niệm được đây? Một người dù đã niệm Phật, nhưng mê man bất tỉnh, lại chết trên bàn mổ, nằm trong môi trường không thuận lợi, thì làm sao vãng sanh được đây?

Xin thưa với chư vị, nếu không thực tập, chỉ nói lý suông, thì khi đối diện thực tế, chúng ta đành chịu thua. Nói thẳng với chư vị, chính Diệu-Âm đôi lúc cũng đành bó tay, chịu thất thủ, chứ không phải tài giỏi gì đâu. Trường hợp gỡ được nạn cho Bác Quảng Chương, một người tắt hơi trong cảnh hoàn toàn mê man bất tỉnh, lại đang gặp đại chướng nạn, là do sự may mắn vô cùng, tìm mãi tìm mãi sau cùng mới phát hiện ra một nguyên nhân chính, dựa vào đó mà mạnh mẽ khai thị hướng dẫn làm cho Bác giựt mình tỉnh ngộ, định tâm niệm Phật để tự giải nạn mà chuyển tướng đó thôi. Rõ ràng, một lần hộ niệm có thêm một kinh nghiệm quí báu.

Khai thị là làm sao phải giải quyết hóa gỡ cho được điều khó khăn của chính người bệnh đó. Khi nói về khai thị, Diệu-Âm sẽ trình bày rõ ràng hơn. Khai thị theo cách viết lời khai thị ra giấy rồi đọc, thì cách đọc suông suông này không có nhiều tác dụng mạnh mẽ lắm. Chư vị nên nhớ cho, khai thị có: lời khai thị, cử chỉ khai thị, tinh thần khai thị, cường độ khai thị, tâm lý khai thị, lực động viên khai thị, v.v… nhằm đánh thức cái tâm thức của người đang mê man rối loạn, đang chìm đắm trong ác mộng hư huyễn, đang bị dập vùi trong những cảnh giới đảo điên phải bừng tỉnh dậy, phải kịp thời giật mình tỉnh ngộ mới cứu thoát được. Tâm lý, uyển chuyển, thực tế… cần thích hợp từng điều kiện một, chứ không phải cứng nhắc được. Ví dụ như trong cuốn sách này, ở chương thứ 10, có ghi lại những lời khai thị mẫu, nếu chúng ta đọc suông thì chưa chắc gì sẽ ứng dụng được, mà nên đọc trước, rồi dựa vào những nội dung đó mà tùy cơ ứng phó khi hữu sự thì tốt hơn.

Mong chư vị, mỗi lần đi hộ niệm chúng ta nên tham gia để tự thân chứng, nghĩa là tham gia hộ niệm sau một thời gian tự nhiên sẽ có kinh nghiệm về cách điều hành, biết cách khai thị. Kinh nghiệm nay quí báu lắm. Hẳn nhiên, dù có kinh nghiệm đến đâu đi nữa, chúng ta cũng không thể hứa chắc rằng, tất cả mọi biến tướng đều có thể hóa giải hết được. Nhất định cần sự kết hợp chặt chẽ giữa hộ niệm, người bệnh và người gia đình mới tốt. Ví dụ, sự việc gần đây nhất là trường hợp người Dì của Phi, ở đó cũng có mấy ban hộ niệm đang hộ niệm, nhưng cũng khó khăn để hóa giải tình trạng của bà Cụ. Đây là việc thường tình chứ không có gì đặc biệt. Bà Cụ cứ trợn con mắt lên, thất thần, ban hộ niệm cũng lên tiếng khai thị điều giải, nhưng không dễ gì giải quyết. Trong những lúc này, mới thấy kinh nghiệm về hộ niệm trở thành vô cùng quí báu. Gọi là cần hiểu cho thấu những gì đang xảy ra cho người bệnh và kịp thời hành cho đúng Pháp Hộ-Niệm để hóa giải cho người đang vướng nạn. Những trường hợp này, cần nắm tay, vỗ vai người bệnh, khai thị lớn tiếng nhằm đánh thức tâm thức của người đó, đừng để người ta tiếp tục chìm ngập quá lâu trong những cảnh giới bất an. Cần an ủi, vỗ về để người ta tỉnh lại, vùng lên, không còn sợ sệt nữa. Hãy vực người bệnh dậy, niệm Phật, vỗ tay, xoa mặt, cười vui, xóa tan căng thẳng, ủng hộ tinh thần… giúp cho người bệnh sớm trở về trạng thái bình thường, hay hơn là cứ đứng chắp tay niệm Phật, hoặc nói lời khai thị chung chung.

Xin thưa với chư vị, có nhiều phương cách đơn giải cứu người ngay trước mắt mà nhiều khi mình không để ý tới. Nhất là những người đang ở các nước ngoài thường thiếu quá nhiều kinh nghiệm hộ niệm, trải qua một vài ba cuộc hộ niệm vừa sơ sài, vừa không thành công, thực sự chưa thể gọi là chính thức hộ niệm được đâu. Trong nước, nhiều ban hộ niệm đã trải qua hàng trăm, thậm chí cả hàng ngàn ca rồi, nhưng đôi khi vẫn còn có chỗ sơ suất như thường. Biết được vậy, xin chư vị nên để tâm nghiên cứu thêm, không nên cho rằng quá đơn giải mà thêm phần sơ suất.

Cầu xin chư vị phát tâm làm đạo. Đây là một cơ duyên giải thoát rất may mắn cho người Việt Nam chúng ta. Mong chư vị cố gắng nghiên cứu thêm để khả năng hộ niệm của chúng ta càng ngày càng vững, hy vọng tràn đầy tương lai chúng ta cũng được vãng sanh và giúp cho người hữu duyên cùng vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thành tựu đạo quả.

Nam mô A-Di-Đà Phật

 

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –