Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 30) | Nói Về Hiện Tượng Vãng Sanh TPCL Cần Nhớ Những Điểm Gì?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 30)

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm

(Tọa đàm 30)

 Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin chư vị mở trang 17, chúng ta nói về: Những điều cần nhớ về hiện tượng vãng sanh.

Câu (e): Người thực hiện được đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh, lúc lâm chung thấy A-Di-Đà Phật tiếp dẫn thì chắc chắn được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Đúng không chư vị. – (Đúng). Rõ ràng đây là điều chúng ta cần nắm vững. Ngày hôm qua chúng ta xác định là người vãng sanh thì tướng rất là đẹp, nhưng người ra đi để lại tướng rất đẹp chưa chắc gì được vãng sanh. Những thoại tướng tốt như: có hương thơm, biết được ngày giờ ra đi, có xá lợi, ngay cả có quang minh phát ra cũng chưa hẳn gì được vãng sanh. Nhưng người vãng sanh là người có đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh. Xin chư vị nhớ thật rõ điểm này. Người đầy đủ lòng tin, nguyện vãng sanh tha thiết và cố gắng niệm câu A-Di-Đà Phật trong lúc xả bỏ báo thân, đây là điều kiện để được vãng sanh.

Hôm nay chúng ta niệm Phật tại đây không phải là chắc chắn mình sẽ được vãng sanh đâu, nhưng phải làm sao trong lúc lâm chung tự mình làm cho được việc này mới vãng sanh. Điều khó khăn chính là đây. Nhiều người khi lập được ban hộ niệm rồi, cứ tưởng vậy là đủ, tỏ ra giải đãi không lo tu hành… thì chưa chắc gì lúc lâm chung ban hộ niệm sẽ giúp được gì cho mình đó nhé, vì lúc đó mình đã mê man bất tỉnh rồi.

Xin thưa với chư vị, mê man bất tỉnh là một điều rất kẹt, rất là khó chịu! Rơi vào tình huống này thì coi chừng bị lâm nạn rồi, chỉ có một vài trường hợp rất đặc biệt, rất may mắn mới giải cứu được, còn hầu hết, khi bị mê man bất tỉnh rồi thì đành chịu thua!…

Tại sao lại bị mê man bất tỉnh vậy? Chư vị cứ đi tìm hiểu thử ở những người đã chết đó, 1.000 người khi chết có được mấy người không bị mê man bất tỉnh? Mê man bất tỉnh là do phước quá yếu, nghiệp quá lớn, đưa đến lúc sắp ra đi nghiệp chướng đã ứng ra làm chủ lấy tất cả rồi, tâm ý của mình bị mê man bất tỉnh nên đành chấp nhận làm nô lệ cho nghiệp chướng rồi. Lúc đó dù có người hộ niệm tới hướng dẫn cũng chẳng qua gieo một chút duyên cho người đó mà thôi, tạo cho họ chút phước nào đó mà thôi, chứ khó có thể giúp được họ vãng sanh.

Muốn được vãng sanh, thì chính người nằm xuống đó phải niệm được câu A-Di-Đà Phật và tha thiết cầu nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc mới vãng sanh. Chính vì vậy, chúng ta cần cố gắng tu hành, cố gắng công phu và nên thường tạo phước. Xin thưa với chư vị, tu hành có công phu thì đường đi vững. Tạo phước cứu mình thoát cảnh mê man.

Trong việc tu hành, người Hoa thường tu phước rất lớn. Hầu hết ở các Đạo-Tràng, Chùa-Chiền, Niệm-Phật-Đường… người Hoa có tâm cúng dường, bố thí, tu phước lớn. Chính nhờ biết tu phước mà phước báu của người Hoa lớn hơn những người khác. Chư vị cứ để ý coi, nhiều khi là một ngôi chùa của Việt Nam, mà thành phần đóng góp để xây dựng ngôi chùa đó lại hầu hết là người Việt gốc Hoa, hoặc là người Hoa. Còn những người khác thì có lẽ hơi kém phần cúng dường, rất ít tạo phước. Không bố thí tạo phước thì phước báu kém đi, phước báu kém thì nghiệp chướng tung hoành mạnh. Có lẽ, chính nhờ phước báu này mà người Hoa đã có duyên gặp được Pháp Hộ-Niệm và giúp được nhiều người vãng sanh hàng ngàn năm qua rồi, còn Việt Nam chúng ta bây giờ mới có. Chư vị thấy ra được vấn đề này không?

Hẳn nhiên dân tộc nào cũng có người ác người thiện. Ví dụ như người Hoa cũng có nhiều người bày ra những trò làm ác. Nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận rằng ở đó có rất nhiều người biết tu, tu hành rất tốt, đạo hạnh rất cao, ví dụ như những vị Tổ Sư Tịnh-Độ-Tông Trung Hoa hầu hết đều là Phật Bồ-Tát thị hiện, các Ngài đã là tấm gương sáng cho chúng ta nương theo. Đặc biệt nhất là nhiều người Hoa tu phước mạnh mẽ. Chính nhờ tu phước nhiều nên họ có phước lớn. Chư vị để ý môt chút thì biết cái phước của họ lớn lắm đấy. Ví dụ nhiều khi một căn nhà trị giá 300 ngàn đô-la, họ sẵn sàng trả tới 500 ngàn để tranh mua. Trên thị trường quốc tế bây giờ, khắp tất cả các nước trên thế giới, Mỹ, Anh, Nga… đâu đâu hàng hóa của người Hoa vẫn tràn ngập. Có những cửa hàng chuyên bán sản phẩm của người Hoa không thôi. Sự phát triển này làm cho cả thế giới phải kinh hoàng, phải tìm phương cạnh tranh. Sản phẩm nhiều, giá thành rẻ, chất lượng cố gắng nâng cao là chìa khóa cạnh tranh để phát triển của họ.

Ví dụ khác, ở Việt Nam chúng ta in ấn một quyển sách đẹp, chất lượng rất tốt như thế này mà giá thành chỉ có 2 đô-là Úc thôi, trong khi tại Úc này in được một quyển sách như thế này ít nhất cũng phải 10 đô-la, nhưng chất lượng rất kém, mà nhiều khi không làm được nữa là khác. Như vậy chính người Việt Nam chúng ta bây giờ cũng bắt đầu biết tu phước rồi đấy. Làm tốt, giá rẻ, bán nhiều sẽ lời nhiều. Chính người Trung Hoa có cái tâm tu phước theo kiểu này, nên nền kinh tế của họ càng ngày càng tăng lên và nhiều khi dễ trở thành bá chủ kinh tế hoàn cầu trong tương lai hồi nào không hay.

Chính vì thế, muốn lúc lâm chung mình hưởng được phước báu, thì chư vị phải biết tạo phước, phước báu này không hẳn là chúng ta phải đem tiền đem bạc ra cúng dường bố thí mới gọi là tu phước. Chắc chắn việc bố thí tiền tài đều có phước, nhưng có nhiều cách tu phước lắm chứ không phải chỉ có việc bố thí tiền tài. Ví dụ như đến một đạo tràng tu hành, nhưng thường cảm thấy phiền não, thì chính sự phiền não này làm tiêu hao phước báu của mình. Gặp người biết tu phước bố thí, cúng dường mình lại đâm ra nghi ngờ, thị phi, thì chính sự thị phi này làm cho mình bị hao tổn phước báu. Cho nên, Ngài Ấn-Quang thường dạy tu phước bằng cái tâm “Tùy Hỉ Công Đức”. Hay lắm!… Ví dụ, như người ta có tiền cúng dường 500 Euro làm việc từ thiện, mình nên thành tâm tán thán, khen tặng người đó. Ngài nói, có tâm chân thực khen tặng như vậy, mình có thể chia được một nửa phước báu của họ. Như vậy, thì những người nghèo khổ không có tiền, nhưng hiền lành vô tình nhiều khi họ lại tạo được phước báu rất nhiều. Phước báu nhiều phát ra từ cái tâm hiền lành của họ vậy.

Xin chư vị để ý tìm hiểu một chút sẽ thấy điều này. Về Việt Nam những người hiền lành được vãng sanh nhiều lắm. Người Dì của Phi là một người hiền vô cùng. Đau bệnh mấy mươi năm trường nằm một chỗ, thì không hiền cũng phải hiền. Hỏi rằng suốt đời không biết tu, nhưng mà sau cùng lại được phước phần vãng sanh rất tốt đẹp là do đâu? Nhờ tâm tánh hiền lành, chịu nghe lời niệm Phật cầu nguyện vãng sanh trong những ngày cuối cùng của cuộc đời. Còn những người tu hành nhìn qua thấy cũng khá như chúng ta đây, nhưng cứ chê người này dở, này chê người kia xấu, cứ phân biệt, thị phi, chấp trước… thì tiếng có tu hành nhưng phước báu càng ngày càng hết. Phước yếu rồi thì coi chừng cuối cùng đành nằm chèo queo thọ nạn!… Còn người thành tâm khiêm hạ thường được cái phước “Tùy Hỉ Công Đức”. Cái phước này lớn lắm, không làm mà được. Chư vị thấy đó, phước hay tội ở từ tâm sanh ra. Những người có điều kiện thì họ cố gắng làm phước. Những người có tiền bố thí tiền tài để tạo phước. Mình không có tiền thì nhổ cỏ, nấu cơm, rửa chén, quét nhà để tạo phước. Nhất là khen tặng người khác, vui vẻ tạo niềm an lành cho mọi người là tâm bố thí tạo phước lớn lắm đấy.

Bố thí có Bố Thí Pháp, Bố Thí Tài-Vật, Bố Thí Vô-Úy. Bố Thí nào cũng tạo được phước báu. Phước nào cũng là phước cả, đều có thể hỗ trợ tốt cho đường tu hành của mình được thuận lợi. Người giảng kinh thuyết chánh pháp, tự nhiên họ được thông minh trí huệ. Tâm trí của họ từ từ mở lần ra, có thể đến chỗ khai ngộ. Bố Thí Vô-Úy là lòng thương yêu, đùm bọc, an ủi, nâng đỡ, ủy lạo tinh thần, giúp người chuyển buồn thành vui, chuyển sợ thành an, ăn chay, phóng sanh, những nồi cơm tình thương, v.v… đều là Bố Thí Vô-Úy. Bố Thí Vô-Úy tự nhiên cơ thể của chính mình càng ngày càng được phục hồi, khỏe mạnh tốt lên. Tất cả các cách tu phước đều phải bỏ ra công sức và tiền của, nên đều có liên quan đến Bố Thí Tài-Vật. Nhờ có phước lớn, khi lâm chung mình tránh được rất nhiều chướng nạn, nhất là vấn đề mê man bất tỉnh.

Thưa với chư vị, Phật đã dạy cho chúng ta rất nhiều cách bố thí, chỉ vì mình sơ ý không tìm hiểu nên không biết đó thôi. Chúng ta rất cần đến phước báu tốt để giờ phút lâm chung dễ được tỉnh táo đi vãng sanh. Người tỉnh táo mà biết niệm Phật, rồi được hộ niệm vãng sanh nữa thì rất dễ vãng sanh. Nhờ có phước mà được an lành, nhờ có phước mà được nhiều người thương mến, nhờ có phước mà được nhiều người hộ niệm trợ duyên. Có phước dễ tạo thêm thiện căn, nhờ thiện căn giúp cho ta giữ vững niềm tin, vui mừng niệm Phật. Có tin tưởng niệm Phật cầu vãng sanh mới vãng sanh vậy.

Còn những người có phước, không đau không bệnh gì cả, nhưng không có lòng tin vãng sanh thì thôi chịu thua. Không tin thì đành chịu chết, chết rồi đi theo con đường nào khác không ai biết được. Mong chư vị hiểu rõ điều này.

Câu (f): Người hiền hậu có chí quyết vãng sanh, lại được hộ niệm cẩn thận, nếu có thoại tướng tốt thì xác suất vãng sanh rất cao.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Người hiền hậu là người có phước. Chư vị để ý coi, những người hiền hậu nhiều khi người ta không có tiền, nhưng mà tâm tính hiền hòa, vui tươi, thích tán thán khen tặng người khác, đó chính là “Tùy Hỉ Công Đức, là nguyện thứ năm trong mười đại nguyện lớn của Đức Phổ-Hiền Bồ-Tát vậy.

Những người hiền lành có phước sau cùng ít bị mê man bất tỉnh. Nhiều người nghèo khó, không có tiền bạc nhiều, nhưng tâm hồn người ta thoải mái, lúc nào cũng vui vẻ. Chính nhờ tâm hồn vui vẻ, thoải mái, ăn ở hiền hậu mà nghiệp chướng của họ theo đó mà tuôn ra… tuôn ra… tuôn ra nhiều lắm. Ngược lại, những người ưa trách người này, chê người kia, thường thường nghiệp chướng từ ngoài cứ đổ vào trong tâm của họ. Hòa Thượng Tịnh-Không giảng điều này hay lắm. Ngài nói, đi chùa, tới đạo tràng là phải tập làm quen với những chuyện trái tai gai mắt, chính đó là môi trường thử thách, rèn luyện cái tâm của mình, xả bỏ nghiệp chướng.

Tới đạo tràng tu hành đừng nên chê người này dở, người nọ xấu, đánh giá người này kém, người kia sai… Ngài nói, tới đạo tràng là lo bòn công đức, bòn phước báu, tại sao mình tới đạo tràng để bòn rác rưởi vậy?!… Cứ đem những phiền não của người đời đổ vào tâm của mình. Đổ rác vào trong tâm thì nghiệp của mình không tiêu rồi, mà còn có thêm nghiệp chướng mới. Vậy thì làm sao tu hành được đây!..

Chư vị muốn được tỉnh táo trong lúc lâm chung để người hộ niệm tới hướng dẫn mình dễ dàng, mình nghe được lời họ khuyến giải, rồi làm theo để được vãng sanh, thì xin chư vị cố gắng tập tu phước báu. Chính những người lúc lâm chung nghe được rõ ràng lời người hộ niệm khai thị hướng dẫn là người có phước báu. Nghe mà tin tưởng làm theo thì phước báu đó đã chuyển thành căn lành. Có thiện căn, phước báu thì gặp nhân duyên này họ được vãng sanh.

Còn những người không tu phước báu thì đành phải chấp nhận gặp nhiều gian truân! Không tu phước chính là những người thường đấu tranh, ganh tị, thị phi đủ điều. Tính tình thường ngạo mạn, thiếu đức khiêm cung, thường cho rằng người khác kém cỏi, không có đủ tư cách hướng dẫn mình. Thị phi tiếp tục thị phi, tranh chấp tiếp tục tranh chấp, vậy thì làm sao hòa hợp để được hộ niệm. Nhiều người tự hào vào thời gian tu tập lâu năm, công phu cao, không chấp nhận người khác tới hộ niệm. Không kết hợp được với đại chúng, thì tự tạo thêm sự trở ngại cho chính mình. Thị phi tiếp tục nẩy sinh, phiền não tiếp tục dấy khởi. Đã phiền não rồi thì nghiệp chướng nương theo đó mà bùng lên, bùng lên… Những lời khuyên giải của đại chúng lúc đó tự nhiên mình cảm thấy nhàm chán, không muốn nghe. Nặng nề hơn, nhiều khi còn chuyển niềm tin thành bài bác, không muốn niệm Phật, muốn xua đuổi người hộ niệm ra về. Khinh thường đại chúng là tự mình tách rời đại chúng. Tách rời đại chúng thì mình tự cô lập lấy mình trong cơ cảnh khốn cùng, tứ bề thọ địch, không ai trợ giúp thành ra bị đại nạn, khó bề thoát khổ vậy!…

Pháp Hộ-Niệm thực sự quá đơn giản mà ứng dụng cứu người thoát nạn tuyệt vời vô cùng. Chính vì thế, chúng ta hãy cố gắng hoàn thành cho được khóa trình này, có lẽ nó sẽ giúp cho chúng ta nắm vững từ điểm căn bản rất nhỏ để thực hiện không còn sơ suất, và cố gắng hiểu thấu cả đến lý đạo của pháp tu vãng sanh thành Phật. Mỗi người chúng ta phải là một người niệm Phật chân chính. Mỗi người chúng ta phải là một người hộ niệm như lý như pháp. Và, mỗi người chúng ta phải là một người quyết lòng niệm Phật cho được trong lúc lâm chung để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –