Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 40) | Những Gì Có Thể Làm Được Khi Hộ Niệm? Những Gì Có Thể Làm Được Khi Hộ Niệm?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 40)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).

 

 

Xin mở trang 20. Chúng ta đang nói về: Người hộ niệm sẽ giúp được gì khi đi hộ niệm.

Câu (p): Người dù có tu hành tốt nhưng lâm chung không được hộ niệm cũng dễ bị nghiệp khổ hành hạ bị rối loạn mà quên mất đường vãng sanh.

Đúng hay sai? – (Đúng). Nói về người tu hành tốt, ví dụ như, chúng ta đây hằng ngày niệm Phật, cũng có tâm hạnh cao lắm đấy, có người tu tốt lắm đấy. Hôm trước Diệu Âm nói đến một vị niệm Phật một ngày 16 tiếng đồng hồ, ngày nào ít nhất cũng tu 12 tiếng niệm Phật, nhưng sơ ý sau cùng vẫn bị trở ngại như thường. Thì chúng ta đây cũng vậy, chắc chắn chư vị cũng thường thấy, có nhiều người tu rất lâu năm nhưng lúc ra đi vẫn nằm trong cảnh mê mê tỉnh tỉnh, nghiệp chướng ứng hiện báo đời.

Là người niệm Phật, bây giờ đây chúng ta tu có vẻ rất tốt, nhưng nếu đến lúc bệnh khổ ứng hiện mà mình quên mất lời nguyện vãng sanh, không còn muốn vãng sanh nữa, không tha thiết vãng sanh nữa, quên mất câu “A-Di-Đà Phật”, mà cứ nằm trên giường rên rỉ!… Thì thôi chịu thua! Đó là do nghiệp khổ hành hạ, hành hạ đến điên đảo, mê mệt, lúc đó quên hết tất cả rồi, coi chừng mất phần vãng sanh.

Mình niệm Phật hôm nay là để thực tập, đến giai đoạn xả bỏ báo thân làm sao mình phải thực hiện cho được những điều này. Có nghĩa là, lúc đó lòng tin không thay đổi, khi đau đớn, nhức mỏi, chóng mặt, nhức đầu… mình vẫn niệm Phật, quyết chí tha thiết cầu xin vãng sanh thì mình mới được vãng sanh. Chứ không phải niệm Phật hôm nay thì nhất định cuối cùng mình được vãng sanh. Chỉ khi nào mình thực sự niệm Phật đến chỗ “Nhất Tâm Bất Loạn”, không còn gì chen vào nữa, thì lúc đó sẽ vững vàng vãng sanh, không cần ai hỗ trợ. Nhưng đạt được cảnh giới “Nhất Tâm Bất Loạn” không phải dễ dàng như nhiều người nghĩ đâu, thành ra chúng ta phải hết sức cẩn thận. Đây là những kinh nghiệm mà chắc chắn mọi người đều có thể biết qua, vì thật sự khi lâm chung, chúng ta thường không còn tự chủ được nữa, bị nghiệp khổ hành hạ làm cho tâm trí rối loạn, quên mất đường vãng sanh. Một khi đã quên mất đường vãng sanh rồi, thì đành phải đi theo con đường nào khác, theo một nghiệp duyên nào đó ứng ra mà chịu nạn.

Câu (q): Người tu hành lâu năm nhưng khi ra đi không được hộ niệm vẫn dễ  bị vướng  bẫy của oán thân trái chủ mà bị nạn.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Một vị tu mỗi ngày 16 tiếng đồng hồ niệm Phật, đây là người tu hành rất tinh tấn, nhưng sơ ý bị vướng bẫy của oán thân trái chủ. Vướng như thế nào? Tự cho mình đã có chứng đắc mà vướng! Vị đó xác định là tu theo phương pháp của Ngài, thì trước nhất niệm Phật trong vòng 1 tuần đến 10 ngày phải ngửi được mùi hương thanh lạc của cõi Tây-Phương Cực-Lạc, nếu người nào niệm Phật đến 10 ngày mà không có cảm ứng này tức là sự tu hành đã sai lạc. Chính vị đó nói đã thực hiện được, diễn tả ra và cũng nói rằng đã chứng minh được điều này cho nhiều người biết. Kế tiếp, niệm Phật trong vòng 4 tuần thì thấy được Phật phóng quang. Vị đó đã chụp được những tấm hình phóng quang và gửi cho mọi người xem(!), Diệu Âm may mắn cũng được xem một số những tấm hình phóng quang đó(!). Bước thứ ba, niệm Phật trong vòng 2 tháng thì nghe được âm thanh vi diệu của câu A-Di-Đà Phật từ trong hư không vang lại, và cuối cùng niệm Phật 3 năm phải chứng đắc “Nhất Tâm Bất Loạn”.

Chư vị thấy đó, có chí hướng tu hành tốt, nhưng vì sơ ý khởi lên vọng tưởng mà bị trở ngại. Vị đó xác định đã được A-Di-Đà Phật thọ ký, biết được ngày giờ vãng sanh, nhưng rốt cuộc đến bây giờ (2018) vẫn còn sống, mà sống trong cảnh rất là khổ tâm!…

Xin thưa với chư vị, cần y giáo phụng hành lời Phật, lời Tổ dạy, chớ nên vọng cầu thái quá. Nếu nghiên cứu kỹ về Pháp Hộ-Niệm chúng ta cũng biết đến vấn đề này, nghĩa là chư Tổ cũng thường ngăn cấm những vọng tưởng tương tự. Người thành tâm niệm Phật được Phật lực gia trì, nhưng chư Tổ cấm người phàm phu chúng ta trong thời mạt Pháp này không được dùng pháp “Quán Tưởng Niệm Phật”. Tâm mình còn mê muội, quán tưởng thường rơi vào cảnh vọng, không chính xác, nhưng chính mình không phân biệt được chơn hay giả nên thường rơi vào cạm bẫy của oán thân trái chủ.

Ví dụ, vị đó niệm Phật mà quán tưởng cái thân bay lên khỏi mặt đất, nên nhiều lần thấy thân lơ lửng trên không, quán tưởng được Phật thọ ký nên hàng ngày thấy Phật hiện thân thọ ký, quán tưởng có mùi hương thì có mùi hương bay ra, quán tưởng đến ánh sáng nên có hào quang xuất hiện, v.v… Xin thưa với chư vị, tâm mình nghĩ đến điều gì thì điều đó ứng hiện ra, gọi là “Tâm Tưởng Sự Hiện”. Phàm phu tâm trí thô tháo chưa khai, không chịu khiêm cung chí thành niệm Phật cầu Phật lực gia trì, ngược lại dùng tâm thô mà quán cảnh diệu, vọng cảnh ứng hiện lại hoan hỉ cho là chơn cảnh, tưởng mình chứng đắc rồi, nên bị hại là như vậy.

Chính vì thế, khi đi hộ niệm chúng ta phải hết sức cẩn thận. Khi một người bệnh thấy được điều gì vi diệu, chúng ta chớ nên vội vã hồ hỡi tung tin ra, mà cần đến bên cạnh người bệnh theo dõi, nhắc nhở, giữ vững tinh thần cho họ. Xin thận trọng trong từng lời khai thị hướng dẫn, đừng sơ ý thốt lên những lời sai lầm. Ví dụ như, xin đừng nói:

Bác ơi! Những gì Bác thấy đó là ma quái giả dạng, là oán thân trái chủ trá hình để tìm cách hãm hại Bác đó.

Người hộ niệm mà nói như vậy là tiêu người bệnh rồi!… Một lời sơ ý có thể làm cho người bệnh bị rối loạn, khủng hoảng, khó có thể lấy lại sự an tịnh để tiếp tục niệm Phật được đâu. Xin hãy khai thị khéo léo hơn, ví dụ:

Bác ơi! Nếu Bác đã chí thành niệm Phật mà thấy được quang minh là có cảm ứng tốt đấy. Tuy nhiên, (mình phải nói rõ đến chữ “Tuy Nhiên để cảnh tỉnh người bệnh), có cảm ứng thì tốt, nhưng không được tự khoe rộng ra đâu nhé, đừng ỷ lại nhé. Bác đang nằm trên giường bện, vẫn còn đau lưng, còn chóng mặt, còn nhức đầu… Nghĩa là nghiệp chướng còn đang hiện hành. Vậy Bác vẫn phải tiếp tục thành khẩn niệm Phật cầu vãng sanh để Phật tiếp tục gia trì. Khiêm cung để Phật thương. Nhất định buông xả hết để không vướng, phải quyết lòng đi vãng sanh cho thật viên mãn. Có gì vui vẻ thì xin cho ban hộ niệm chúng con biết liền. Chúng con ở sát bên cạnh giúp đỡ cho Bác đây. Yên chí niệm Phật nhé.

Những người đêm đêm thường thấy Tổ Tiên, Ông Bà, Thân Bằng Quyến Thuộc… đã chết hiện về rủ rê, xin đừng nói:

Bác Chín ơi!… Đó là oán thân trái chủ trá hình, ma quái dụ hoặc, ác thần lừa gạt để hãm hại đó…

Nói vậy sẽ làm người bệnh sợ hãi, kẹt cho người ta lắm đấy. Xin hãy khéo léo nói lời khuyến tấn, động viên tinh thần họ vương lên:

Bác Chín ơi!… Tất cả đều là huyễn mộng, nằm mơ mơ màng màng mà thấy đó thôi.  Đang bị bệnh, tinh thần mệt mỏi, sức khỏe yếu đuối thành ra nằm mơ thấy đủ thứ là chuyện bình thường. Chính con còn khỏe đây mà đêm đêm nằm ngủ vẫn thấy mộng mị liên tục, huống chi là bác trong cơn bệnh yếu. Thôi bây giờ Phật dạy chỉ niệm A-Di-Đà Phật, quyết lòng cầu A-Di-Đà Phật lai nghênh tiếp độ. Chỉ có A-Di-Đà Phật hiện thân tiếp độ mình sẽ theo Ngài đi vãng sanh, còn tất cả đều là giả, bỏ đi, không thèm để ý tới. Nhớ nhé. Có chúng con luôn luôn ở bên cạnh Bác đây, sẵn sàng giúp đỡ Bác, bảo vệ Bác trong bất cứ tình huống nào. Cứ thành tâm niệm A-Di-Đà Phật, Phật Bồ-Tát sẽ gia trì, chư Thiên-Long Hộ-Pháp sẽ bảo vệ cho Bác. Bác yên tâm nhé.

Nói những lời này hoàn toàn không làm người bệnh sợ hãi, mà còn giúp cho tâm họ vững lên, định lại, nhiếp tâm niệm Phật, không còn lo âu nữa.

Xin luôn luôn nói những lời tích cực để ủng hộ tinh thần người bệnh, giúp họ vươn lên để vượt qua những cảnh khó khăn, phá tan những sự lo sợ buồn phiền để an tâm niệm Phật cầu vãng sanh. Đừng sơ ý nói cộc lốc, thẳng thừng quá mà tạo điều sơ suất gây trở ngại cho người bệnh. Vấn đề tâm lý rất quan trọng trong khai thị hướng dẫn.

Pháp Hộ-Niệm tuy đơn giản, nhưng ứng dụng lại có hiệu quả rất cao, xin chư vị cố gắng nghiên cứu cẩn thận để giúp người vãng sanh thành đạo. Một pháp cứu cả những người phàm phu hạ căn thành tựu đạo quả nhất định chúng ta không thể xem thường được, chắc chắn phải ẩn tàng một đạo lý vô cùng cao siêu, vô cùng vi diệu bên trong.

Tâm tưởng sự hiện!… Tưởng mình đã chứng đắc thì sự chứng đắc giả hiện ra, mà bị trở ngại! Hơn một tháng qua Diệu Âm không đọc email, ngày hôm kia mới vào xem thử, thì thấy ngay một vị đồng tu bị trở ngại có liên quan đến oán thân trái chủ, và vị đó nhờ Diệu Âm tìm cách hóa giải giùm. Tình thực hiện tượng này xảy ra nhiều quá rồi, tự mỗi người phải ý thức mà ngăn ngừa lấy, đừng nên để vướng nạn rồi nhờ người hóa giải. Không đơn giản như vậy đâu.

Diệu Âm hỏi vị đó:

– Anh tu với đạo tràng nào? Thời khóa công phu như thế nào?

Tôi lên Internet nghiên cứu rồi tự một mình tu lấy, chứ không tu với đạo tràng nào cả…

Chỉ cần một câu nói này chúng ta cũng có thể truy nguyên ra vấn đề. Vị đó kể lại, hễ mỗi khi nhiếp tâm thì liền bị hiện tượng oán thân trái chủ chi phối vào làm tâm hồn bất an, thấy nhiều cảnh giới hiện ra không tốt…

– Anh nhiếp tâm như thế nào?

Anh kể ra vài điều thì biết ngay rằng anh thường xuyên bị hôn trầm, ngủ gục, chứ không phải là nhiếp tâm gì cả. Trong hôn trầm mơ tưởng lung tung lại tưởng mình chứng đắc!… Nhiều lúc nghĩ ngợi đủ điều thành ra trạo cử. Trạo cử và hôn trâm thay phiên nhau chi phối cái tâm đến mệt nhoài luôn mà lầm lẫn là nhiếp tâm! Đúng thực sự là thời mạt pháp này mà tự tu một mình rất dễ rơi vào chỗ vọng tưởng sai lầm mà chính mình không hay biết.

Hiện tượng trở ngại này xảy ra nhiều quá, đâu đâu cũng thấy! Vì sơ ý bị oán thân trái chủ cài bẫy mà không hay. Giải quyết những trường hợp này, Diệu Âm thường khuyên rằng, hãy giữ hạnh khiêm cung, luôn coi mình còn là phàm phu trí cạn, nên sống hiền lành, thành tâm niệm Phật cầu Phật gia trì, chứ đừng tự nghĩ rằng mình cao tài dũng triết, đừng cho mình chứng này chứng nọ. Và, chắc chắn Diệu Âm không bao giờ quên lời khuyên, hãy tìm một đạo tràng tu chung với đại chúng, hoặc lập một nhóm cộng tu để niệm Phật với nhau mới tốt. Phải biết hòa hợp với đại chúng thì an toàn hơn, nhờ đại chúng khuyên giải dần dần giải tỏa những chướng nạn cho chính mình.

Trong thời mạt pháp này, Phật cùng chư Tổ Sư đều khuyên chúng sanh nương vào Pháp Môn Niệm Phật là an toàn nhất, vững vàng nhất và dễ thành tựu nhất. Nhưng cũng cần nhớ cho, niệm Phật có bốn pháp: Thật-Tướng Niệm Phật, Quán-Tưởng Niệm Phật, Quán-Tượng Niệm Phật, và Trì-Danh Niệm Phật, thì chư Tổ chỉ khuyên chúng ta chỉ dùng hai pháp:

– Một là: Quán-Tượng Niệm Phật, tức là nhìn hình tượng Phật để niệm Phật.

– Hai là: Trì-Danh Niệm Phật, là cất lời niệm danh hiệu “A-Di-Đà Phật” để cầu vãng sanh Tịnh-Độ.

Chư Tổ không khuyên dùng pháp Thật-Tướng và Quán-Tưởng. Hai pháp này cần đến căn cơ cao, hàng phàm không đủ sức thực hiện. Một vị bị trở ngại bên trên là do tách ly đại chúng, tự nghiên cứu lấy để tu hành và thực hành nặng về Quán-Tưởng. Chư Tổ thường nói, dùng tâm thô mà quán cảnh diệu, tự mình rước lấy chướng ngại là trường hợp này vậy.

Cách đây hơn 10 năm, có một lần Diệu Âm gặp một vị kia niệm Phật cũng tự xưng chứng đắc, đã xác định là ngày đó, tháng đó vãng sanh. Vị đó hỏi Diệu Âm rằng muốn Ngài vãng sanh như thế nào? Nằm vãng sanh, ngồi vãng sanh hay đứng vãng sanh? Diệu Âm hỏi:

Ngài biết chuyện này bao lâu rồi?

– Cỡ 2 năm rồi.

– Chắc chắn không?

– Chắc chắn chứ.

– Xin Ngài viết xuống vài dòng làm chứng từ đi nhé.

Vị đó viết xuống, ký tên rõ ràng, xác định ngày giờ ra đi vãng sanh. Nhưng tới ngày đó không vãng sanh gì cả, và đến bây giờ, (2018), vẫn còn sống. Rõ ràng tu hành không cẩn thận, khởi lên vọng tưởng nên chiêu cảm đến những vọng cảnh sai lầm!… Khi nói đến những sơ xuất của người bệnh, khế lý khế cơ, Diệu Âm sẽ nói rõ ràng hơn về điểm này.

Xin thưa chư vị, dẫu rằng chúng ta đang niệm Phật tốt, cũng đừng nên khởi vọng tưởng. Đừng nghĩ rằng, niệm Phật là pháp tu an toàn, có chư Thiên-Long Hộ-Pháp ẩn thân bảo vệ, có 25 vị Bồ-Tát gia trì, có Phật quang che chở là ta muốn làm sao làm mà được đâu nhé.  Điều căn bản là căn cơ của chúng ta như thế nào chư vị đã nắm rõ chưa? Khi tu hành có đúng chánh pháp hay không? Lúc niệm Phật tâm có thành kính hay không? Niệm Phật mà vọng tưởng nặng quá, tự cho mình chứng đắc dễ dàng, thượng mạn nổi lên, thì coi chừng oán thân trái chủ trong nhiều đời nhiều kiếp nương vào đó mà tới gạt liền đấy. Gạt một người có tu hành, không bao giờ các vị đó dùng những cách hạ cấp để hù dọa cho mình sợ đâu, mà họ gạt bằng những chiêu thức vô cùng tuyệt vời. Trong các tọa đàm khác Diệu Âm cũng có kể chuyện một người niệm Phật tự xưng là chứng đắc cảnh giới “Nhất-Tâm Bất-Loạn”, định được ngày giờ ra đi. Một buổi trưa nọ, giữa một đạo tràng đang trong mùa an cư kiết hạ, vị đó không vào thọ trai, mà âm thầm ra sau vườn treo cổ trên cây tự tử chết. May mà vị ấy để lại hai lá thư tuyệt mạng, chứ không thì đạo tràng đó cũng gặp khá nhiều khó khăn về pháp lý rồi. Hai lá thư đó, một lá nói: “Hôm nay tôi về Tây-Phương Cực-Lạc”, còn lá nữa thì diễn tả cảnh “Nhất Tâm Bất Loạn” của mình?!…

Xin thưa với các chư vị, đây không phải là chứng đắc gì cả, mà do vọng tưởng quá nặng, tự chiêu cảm lấy vọng cảnh ứng hiện mà lừa gạt mình một cách tệ hại!…

Hiểu được như vậy chúng ta mới thấy trân quí Pháp Hộ-Niệm. Một người dẫu tu hành lâu năm nhưng không cần đến hộ niệm, chẳng khác gì tự mình chấp nhận tình huống âm thầm lặng lẽ, lủi thủi một mình trên đường hoang vắng, không ai bảo vệ, coi chừng khó tránh khỏi những cạm bẫy hiểm nghèo đang giăng giăng chung quanh.

Ăn cơm cần canh, tu hành cần bạn. Chính bạn đồng tu 5 người, 10 người, 20 người tu chung với ta, là chỗ nương tựa nhau rất tốt, đó là nguồn năng lực tự nhiên hóa gỡ cho chúng ta không biết bao nhiêu là khổ nạn đấy. Xin đừng tách rời đại chúng, đóng cửa tự tu một mình mà gọi là thanh tịnh hay an toàn trong thời mạt pháp này nhé chư vị.

Tự lực và Tha Lực hỗ nhau là điều tối cần thiết đối với hàng pham phu như chúng ta. Pháp Hộ-Niệm thực sự là đại cứu tinh giúp cho chúng ta an toàn tu hành, an toàn vãng sanh một đời thành tựu đạo quả.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –