Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 07) | Trong Tịnh-Độ Tông Những Vị Tổ Nào Đề Xướng Pháp Hộ Niệm?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 7)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018).

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Hôm nay chúng ta nói đến chương số 1, vấn đề số 7, ở trang 12: Trong TịnhĐộ Tông những vị Tổ nào đề xướng Pháp Hộ Niệm?

Hôm trước chúng ta nói rằng kinh Phật có nói về hộ niệm. Pháp môn nào cũng hàm ý về hộ niệm, thì Tịnh-Độ-Tông chúng ta cũng có hộ niệm. Hôm nay chúng ta muốn xác định rõ hơn là Tổ nào đã nói về vấn đề này? Tính đến nay Tịnh-Độ-Tông Trung-Hoa có tất cả 13 vị Tổ, thì Tổ nào nói đến hộ niệm đây?

(a): Từ sơ Tổ HuệViễn đời nhà Tấn khi kết hợp BạchLiênXã ở LôSơn ĐôngLâm khuyên đồng tu quyết thề đồng vãng sanh về LiênBang CựcLạc.

Đúng không? – (Đúng). Đúng vậy. Tịnh-Độ Tông được lưu truyền tới ngày nay là do Tổ Huệ-Viễn đời nhà Tấn. Chư vị nên nhớ rằng, một pháp môn trong Phật Giáo chúng ta có một vị sơ Tổ, chính là vị đầu tiên tuyển trạch từ trong kinh Phật, hệ thống hóa lập thành pháp môn tu. Ngài Huệ-Viễn đời nhà Tấn đã ngộ ra câu A-Di-Đà Phật nhiệm mầu, Ngài liền rời xóm làng đi vào vùng Lô-Sơn Đông-Lâm, một vùng rừng núi còn hoang dã, chưa có người định cư, cùng với 123 vị chí đồng đạo hiệp, lập chí niệm Phật cầu vãng sanh nước Cực-Lạc, quyết thề không ra ngoài liên lạc với xã hội nữa. Các Ngài lấy con suối Hổ-Khê làm ranh giới. Hổ-Khê là nơi có nhiều cọp tới lui uống nước, nên được gọi là “Suối Cọp”. Con suối này có một cái cầu nhỏ gọi là Hổ-Kiều, “Cầu Cọp”.

Xin thưa với chư vị, 123 vị đồng tu đó trích máu viết thành văn đồng phát thệ, bắt đầu từ đây quyết lòng niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Họ tự khai khẩn trồng trọt để sinh sống. Khi một người nào trong nhóm yếu bệnh phải xả bỏ báo thân, thì các vị kia họp lại hỗ trợ, dẫn dắt để đưa người đó vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, sau cùng tất cả các vị đó đều được vãng sanh hết. Tiếng lành vang xa, Phật tử đồng tu khắp nơi nghe danh tề tựu về vùng đất Lô-Sơn Đông-Lâm cả hàng người cùng nhau niệm Phật.

Hướng dẫn, khai thị, nhắc nhở, gỡ rối, dẫn dắt, đưa tiễn một người niệm Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc chính là Pháp Hộ-Niệm chứ không có gì khác. Ở Trung Hoa Pháp Hộ-Niệm vãng sanh bắt đầu từ đó lưu lại đến ngày nay.

(b):  Đại Sư ThiệnĐạo đời nhà Đường, tức là Tổ thứ 2 của TịnhĐộ Tông TrungHoa, rất chú trọng pháp hộ niệm để giúp người hạ căn phàm phu giữ được chánh niệm mà vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Chư vị thấy rõ không, Sơ Tổ, Nhị Tổ… từ đời nhà Tấn nhà Đường… cách chúng ta hơn cả ngàn năm, các Ngài đã đề xướng đến hộ niệm rồi. Đến sâu trong thời mạt pháp, ở đây chúng ta mới gặp được câu A-Di-Đà Phật, và may mắn gặp được phương pháp hộ niệm vãng sanh. Chư vị thấy đó, muốn được cái duyên hộ niệm này, chúng ta phải mất qua hàng ngàn năm như vậy mới gặp được. Không phải đơn giản!…

Tịnh-Độ-Tông đã du nhập vào Việt-Nam chúng ta rất lâu. Năm ngoái (2016), Diệu-Âm có về chùa Phật-Tích ở ngoài Bắc nói chuyện về hộ niệm, chùa này đã lưu lại một pho tượng Phật A-Di-Đà cổ nhất Việt-Nam. Các vị Cao Tăng của Việt-Nam cũng du nhập Pháp Môn Tịnh-Độ niệm Phật cầu vãng sanh rất sớm, nhưng riêng về Pháp Hộ-Niệm, thì ai cũng có ý niệm về hộ niệm cả, nhưng thực tế thì hình như chưa được chú tâm mạnh tới lắm!…

Thực ra mỗi người khi đau bệnh thì thường mời các vị Sư tới thăm viếng và thỉnh bạch các Ngài khuyên giải bệnh nhân vài lời. Xin thưa thực với chư vị, các Ngài tới khuyên giải người bệnh vài lời tức là các Ngài hộ niệm cho người bệnh đấy. Nhưng khuyên vài câu rồi sau đó không tiếp tục khuyên nữa, không tổ chức thành từng nhóm liên tục khuyên giải, không trực tiếp hướng dẫn, gỡ rối cho người bệnh trước những giờ phút ra đi… Thành ra có ý niệm về hộ niệm, nhưng thực hiện Pháp Hộ-Niệm thì quá lỏng lẻo, ít ai lưu tâm chú ý tới. Vì không quan tâm tới vấn đề hộ niệm, vô hình chung, hầu hết những người niệm Phật ở Việt-Nam chúng ta bị lâm vào tình trạng rối loạn trong lúc lâm chung, đưa đến tình trạng là hiện tượng vãng sanh trở nên quá hiếm hoi!…

Các vị Đại Sư, Cao Tăng, Thạc Đức chân chánh tu hành… có thể tự tại ra đi. Có đấy!… Ở Việt-Nam chúng ta có hiện tượng này đấy, nhưng không phải nhiều!… Còn thấp xuống một chút, hàng Phật tử tại gia thì hầu như vô phương được độ!… Quá khó!… Quá khó!… Họa hiếm lắm chúng ta mới nghe một tin đồn loáng thoáng rằng, có một người nào đó có cái hiện tượng vãng sanh, nhưng trong hàng vạn người, hàng triệu người mới có một người. Thực ra, dù là tin đồn thôi vẫn còn quá hiếm hoi, chứ nói chi đến chuyện thực sự vãng sanh!… Đây chỉ vì, người tu hành thường bị mông lung, quá mơ mộng vào những sự hão huyền và sơ ý không hộ niệm để có sự hướng dẫn vững vàng cho người ra đi biết đường vãng sanh, trong khi Pháp Hộ-Niệm là đại cứu tinh mà chư Tổ trong Tịnh-Độ Tông đã chủ trương thực hiện từ đời nhà Tấn, nhà Đường cách đây cả hàng ngàn năm rồi mà chúng ta không hay biết.

(c)Tất cả các chư Tổ TịnhĐộ Tông đều khuyên nhắc về hộ niệm.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Xin thưa với chư vị đúng như vậy đấy. Khi đọc tới những lịch sử của chư Tổ, chúng thấy rõ rằng các Ngài đều chủ tâm hộ niệm, mạnh mẽ nhất là Ngài Ấn-Quang Đại Sư. Ngài Ấn-Quang Đại Sư nhắc nhở về hộ niệm rất kỹ. Ngài nói rằng, đến thời mạt pháp rồi, Phật Giáo không còn dễ dàng cứu độ một chúng sanh thoát vòng sanh tử luân hồi đâu. Thành ra, trong suốt cuộc đời hành đạo của Ngài, Ngài chủ trương làm thiện, làm lành rồi khuyến tấn Phật tử đồng tu hãy kết nhóm với nhau chừng 5 người 10 người, nhiều nhất là 20 người, 20 người cộng thêm với 1 người trưởng tràng là 21 người, 21 người quyết lòng cùng nhau niệm Phật. Ngài khuyên có thể dùng một cái phòng khách nào rộng rãi của tư gia, rồi lập một Niệm Phật Đường nho nhỏ, không bảng hiệu, không phô trương, không danh phận… cứ kết nhóm nhau lặng lẽ mà niệm Phật. Nhóm đồng tu 21 người đó hãy thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Khi một người nào trong nhóm đau bệnh, hãy họp lại chăm sóc, hỗ trợ, khuyến tấn, gỡ rối, khai thị, hướng dẫn để cho người đó làm được trọn vẹn tông chỉ Tín-Nguyện-Hạnh mà vãng sanh. Xin thưa với chư vị, cái danh từ gọi là “Nhóm-Hộ-Niệm” bắt đầu từ đây mà có.

Hiện giờ ở khắp nơi người ta lập lên những “Nhóm-Hộ-Niệm”. Vậy “Nhóm-Hộ-Niệm” đó là gì? Chính là các vị Phật-Tử Đồng-Tu kết lại với nhau thành những nhóm cộng tu nhỏ để chuyên lòng niệm Phật. Ngài Ấn-Quang nói, phương pháp này rất cụ thể và chuyên tâm như vậy mới có thể cứu được chúng sanh trong thời mạt pháp này. Ngài Tịnh-Không cũng tuyên dương phương pháp này rất là thù thắng, có thể sử dụng trong 9.000 năm còn lại trong thời mạt pháp này để cứu độ chúng sanh.

Xin thưa với chư vị, Tịnh-Tông Học-Hội xuất hiện trên thế giới này cũng từ ý niệm của Tổ Ấn-Quang. Sau này đệ tử của Ngài là Ngài Hạ-Liên-Cư đã ứng dụng phương pháp này một cách triệt để, Ngài đề xướng nên lập một cái hội, chứ không phải là Tôn-Giáo nữa, vì chính Tổ Ấn-Quang nói rằng, Phật Giáo đến thời mạt pháp không dễ gì cứu được chúng sanh nữa, tại vì con người vọng tưởng quá nhiều, nghiệp chướng quá nặng… Mặc dù Pháp Môn Niệm-Phật là pháp môn trăm người tu trăm người đắc, vạn người tu vạn người đi vãng sanh, nhưng đến thời mạt pháp này không dễ gì có một người được an nhiên tự tại vãng sanh, nguyên nhân chỉ vì nghiệp chướng nặng, oán thân trái chủ chướng nhiều, phiền não chướng lớn quá… Tất cả sẽ ứng hiện ra trong những lúc sắp sửa buông báo thân ra đi. Trăm sự vạn sự khó khăn đổ ra làm cho tâm ý người ra đi quay cuồng điên đảo!… Lâm vào trạng thái này, nếu không có người hướng dẫn cụ thể, nhắc nhở cụ thể, gỡ rối cụ thể… thì một ngàn người niệm Phật khó tìm ra một người vãng sanh, một vạn người niệm Phật chưa chắc gì tìm ra một người vãng sanh.

Ấy thế mà Tổ Thiện-Đạo tuyên bố rằng: Niệm Phật là pháp môn muôn người tu muôn người đắc. Tổ thứ sáu, Ngài Vĩnh-Minh nói niệm Phật thì: “Vạn nhân tu vạn nhân khứ. Ngài Ấn-Quang nói rằng: “Một người quyết lòng tin tưởng, nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, khi lâm chung chỉ cần giữ cho được cái ý niệm này vững vàng thì 10 niệm, 1 niệm tất sanh. Ngài Ngẫu-Ích nói, chỉ cần hai điểm: “Tin tưởng cho vững và phát nguyện vãng sanh Tây-Phương tha thiết, thì khi lâm chung dẫu cho loạn tâm niệm Phật, tán tâm niệm Phật cũng được vãng sanh.

Tại sao tán tâm niệm Phật mà được vãng sanh vậy? Chính là nhờ những người ngồi bên cạnh hộ niệm cho họ đấy. Trong lúc loạn tâm đó mà không có người nhắc nhở, không có ai hướng dẫn từng chút từng chút, hóa giải từng điểm từng điểm thì nhất định với cái tâm tán loạn đó sẽ theo sự loạn động mà đi về con đường loạn động. Ngài Vĩnh-Minh nói: Nhược ấm cảnh hiện tiền, miết nhĩ tùy tha khứ là như vậy. Người tự lực khi tâm loạn thì ấm cảnh ứng hiện liền, ma chướng ứng hiện liền, nghiệp chướng ứng hiện liền… nhất định không thể thoát ly sanh tử luân hồi.

Người niệm Phật khi lâm chung mà tâm hồn tán loạn thì cũng không thể vãng sanh được. Người phàm phu hạ căn khi lâm chung nhất định tâm thần bị tán loạn! Nhưng tán tâm, loạn tâm mà cũng được vãng sanh chính là nhờ sự hộ niệm đấy.

Anh đau quá phải không? Người hộ niệm khuyến tấn anh quyết lòng buông cái đau đi không sợ nữa, càng đau càng vững lên nhé.

Anh thấy cảnh giới này cảnh giới nọ phải không? Người hộ niệm sẽ nhắc nhở cho anh quyết không lo sợ, không thèm nhìn tới, hãy yên chí đi… có chúng tôi ngồi bên cạnh hộ niệm đây. Hãy cầm tay họ mà niệm A-Di-Đà Phật. Hãy củng cố tinh thần họ:

Anh niệm theo lên đi nhé…

Anh đang nhớ tới con chăng?… Quyết định phải buông ra mà lo niệm Phật.

Anh đang nhớ tới vợ chăng?... Nhất định phải buông ra mà lo niệm Phật.

Anh đang nghĩ tới tiền bạc chăng?… Nhất định phải buông xuống mà lo niệm Phật.

Anh còn nghĩ tới một vị bác sĩ, còn cần thuốc này thuốc nọ chăng?… Phải buông ra… bây giờ đây không cần những thứ đó nữa, nhất định anh chỉ cần A-Di-Đà Phật cứu anh về Tây-Phương Tây-Phương Cực-Lạc. Nhờ người nhắc nhở giúp cho người bệnh mạnh dạn mà buông ra.

Một vị Bồ-Tát nào đó ứng hiện ra anh không được theo nhé. Tư tưởng vững vàng lên nhé anh Nhìn tấm hình A-Di-Đà Phật cho thật kỹ mà niệm Phật đi, khi Ngài ứng hiện ra anh theo Ngài mà đi vãng sanh nhé, ngoài ra tất cả những gì khác anh cứ mặc kệ đi nhé.  Mọi chuyện xảy ra anh cứ an tâm  đi nhéCó chúng tôi đây… Trong khi người ta thấy những cảnh giới trùng trùng vô cùng sợ hãi, có được những người biết đạo ngồi bên cạnh nói rõ ràng từng tiếng, từng tiếng nhắc nhở cho người ta lấy lại tinh thần bình tĩnh để vãng sanh.

Xin thưa với chư vị, người bệnh tán tâm vì đau đớn quá!… Loạn tâm vì đối diện nhiều cảnh giới hãi hùng. Thật sự có nhiều cảnh khổ sở ập tới tới cho họ mà mình không hay biết. Những trường hợp này trong bệnh viện người ta thường chích chất morphine cho người bệnh nằm im ra đi, nhiều người cứ tưởng rằng đó là an lạc ra đi, nhưng thực ra bị mê man bất tỉnh mà chết, bị oán thân trái chủ tự do hãm hại, họ chịu đớn đau cúi đầu theo nghiệp thọ nạn!…

Còn người hiểu đạo, biết hộ niệm, chỉ cần những động tác đơn giản mà có thể giúp người bệnh vượt qua những cơn khủng hoảng, tán tâm, loạn tâm, vượt qua những cơn khổ đau, người ta vững vàng nghe lời khai thị của đại chúng mà định tâm lại niệm được câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc và được thành tựu.

Mỗi lần chúng ta nói một chút, hi vọng chư vị thấy được Pháp Hộ-Niệm thực sự bất khả tư nghì! Thật bất khả tư nghì!… Mong chư vị cố gắng phát tâm nghiên cứu thêm nữa, nghiên cứu thêm nữa. Trong những chương sau, chúng ta sẽ nói sâu hơn, thấm hơn và chư vị sẽ thấy rằng đường vãng sanh nằm ngay tại đây. Nếu sơ ý, khi phải đối đầu với đại nạn rồi thì chúng ta đành phải chấp nhận theo nghiệp thọ nạn trong ba đường ác đấy. Rơi vào trong ba đường khổ nạn rồi thì khó lấy lại thân người lắm chư vị ơi!

Cần phải có trách nhiệm với huệ mạng của chính mình, xin chư vị hãy phát tâm tự mình lo cứu lấy mình đi. Cứu mình bằng Pháp Hộ-Niệm đấy.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm? Chương 1

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –