Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 71)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin chư vị mở trang 30, câu (d): Cần giấu bệnh nhân về sự đau lòng để họ còn chút hi vọng mà sống cho hết những ngày còn lại.
Đúng không chư vị? – (Sai). Chuyện này rất bình thường đối với người thế gian. Khi người thân bị bệnh không còn cách nào chạy chữa được nữa, nghĩa là phải nằm chờ đến ngày chết, thì người thân, bạn bè thường tới thăm nom, tìm cách an ủi, khuyến tấn, chủ ý giúp cho người đó không nghĩ rằng mình sắp bị chết, và nuôi nhiều hi vọng được sống sót. Vấn đề này hoàn toàn không có gì sai trái đối với thế gian. Một người không biết đạo giải thoát, không biết gì về niệm Phật vãng sanh, thì họ làm như vậy để giúp cho người bệnh bớt lo sợ được ngày nào hay ngày đó. Nhưng nếu một người biết học Phật, muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, mà gia đình lại làm theo lối thường tình của thế gian, nghĩa là tìm cách giấu giếm sự thật, tưởng vậy là để cho người bệnh vui lòng, nhưng không ngờ, vô tình đã tạo một cái bẫy rất đau lòng làm cho người đó mất phần vãng sanh. Nghĩa là, ngày xả bỏ báo thân họ bị chết, chịu đọa lạc một cách vô cùng đáng tiếc!…Thật quá oan uổng vậy!…
Gia đình cố tình giấu giếm cái chết cho người bệnh, thì gia đình này không biết tu hành niệm Phật vãng sanh. Nếu người bệnh khi nghe lời an ủi, cũng an lòng, liền khởi lên niềm hi vọng được sống sót, thì người bệnh cũng không biết tu hành theo pháp niệm Phật vãng sanh. Nói chung cả người bệnh và gia đình đều là những người không biết niệm Phật vãng sanh, thì dù cho có bị sợ sệt hay được bày kế giấu giếm cho an lòng, thì nhất định người bệnh phải chết, nghĩa là trước sau gì họ cũng phải đối diện với sự thật đau lòng, đó là sẽ chứng kiến cảnh sanh tử biệt ly!… Những trường hợp này, dù có được hộ niệm cẩn thận, người ra đi cũng phải chết, chứ không thể được vãng sanh.
Xin chư vị nên biết rằng, một người muốn được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì điều quan trọng nhất chính là người đó không được sợ chết. Sợ chết là điều đại kỵ của sự vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Một người phải biết rõ đạo lý này, phải tin tưởng vững vàng vào Pháp Niệm-Phật mới có thể được vãng sanh. Người không hiểu đạo, không có niềm tin thì không thể vãng sanh. Xin hiểu rõ rõ ràng ràng điều này, chứ không nên lầm lẫn rằng, hễ có được ban hộ niệm giỏi tới niệm Phật thì người bệnh được vãng sanh đâu.
Có những cuộc hộ niệm không thành công, nghĩa là người bệnh bị chết. Có những cuộc hộ niệm thành công, nghĩa là người ra đi được vãng sanh. Người hộ niệm tới hướng dẫn cụ thể cho người bệnh những điều cần phải làm, những điều cần phải bỏ. Vãng sanh được hay không hoàn toàn do chính người bệnh có thực hiện được chính xác Pháp Niệm Phật Vãng Sanh hay không. Nhắc nhở điều này để tự mỗi người phải lo liệu cho tương lai của mình, mau mau chỉnh đốn cách tu hành cho đúng chánh pháp, thực tiễn, hợp căn, hợp thời, đúng lời Phật dạy, chứ không thể vô tư ỷ lại vào ban hộ niệm được.
Xin minh xác rằng vãng sanh khác với chết. Vãng sanh là người đó khi xả bỏ cái thân thịt tệ hại này, thần thức của họ được A-Di-Đà Phật tiếp dẫn đưa thẳng về nước Cực-Lạc, bắt đầu từ đó họ trở thành A-Duy-Việt-Trí Bồ-Tát trên cõi Tây-Phương Tịnh-Độ. Họ đi vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc chứ không chết. Còn chết là khi mãn báo thân này, thần thức của họ bị kẹt trong sanh tử luân hồi, mà trong thời mạt pháp này, Phật dạy, người chết hầu hết bị rơi vào ba đường ác chịu nạn. Hiện tượng đọa lạc này thể hiện cụ thể nhất là sau khi xả bỏ báo thân, thân xác cứng đơ, sắc tướng rất xấu, gọi chung là tướng ác hiển hiện.
Chính vì thế, lành thay cho những người quyết đi theo con đường vãng sanh Tịnh-Độ. Tội nghiệp cho những ai chưa biết đường vãng sanh, cứ lầm lũi đi theo con đường tử nạn! Mỗi một chúng sanh trong một thời kỳ chỉ có một báo thân duy nhất. Như vậy, muốn vãng sanh thọ lấy báo thân của một vị Bồ-Tát bất thoái, thì bắt buộc ta phải rời bỏ cái thân xác này. Nghĩa là, nếu còn vướng mắc trong cái thân xác này, thì ta không được thọ nhận một thân xác nào khác được. Nhất định một thời, một lúc mỗi chúng sanh chỉ có một báo thân mà thôi.
Hiểu được điều này, người muốn được vãng sanh không nên sợ chết. Gia đình muốn cho người thân của mình thoát cảnh phàm phu khổ nạn, vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành bậc Thượng-Thiện-Nhân, thì không nên giấu giếm việc phải xả bỏ báo thân tệ hại này. Nếu giấu giếm người bệnh thì vô tình tạo thành một cái bẫy nhốt chặt linh hồn người thân trong cảnh phàm phu sanh tử đọa lạc để tiếp tục chịu nạn vô lượng kiếp. Cho nên, tốt nhất là hãy tích cực ủng hộ tinh thần cho người bệnh hiểu đạo, vui vẻ liệng cái thân xác khổ nạn vô thường này, quyết lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ để đi làm Phật, Bồ-Tát. Làm chuyện này chính là gia đình đã tiếp sức hộ niệm cho người thân rồi vậy.
Như vậy, hộ niệm là nhắc nhở từng điểm trường điểm cụ thể, chính xác, rõ ràng để mỗi người có thể thực hiện được con đường giải thoát của họ. Hồi giờ đại chúng cũng có tu hành đấy chứ, nhưng vấn đề nhắc nhở cụ thể những điều cần phải làm, những điều cần phải bỏ thì quá hiếm hoi, thành ra nhiều người muốn tu mà không biết tu như thế nào cho đúng, muốn buông xả nhưng không biết phải bỏ những thứ gì đây? Vô tình, đường tu hành thường vô cùng mông lung, thiếu mất định hướng, để sau cùng đành phải theo nghiệp thọ nạn trong những cảnh giới khổ đau! Nay chúng ta may mắn gặp được Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh vạch ra những điểm rõ rõ ràng ràng để thực hiện, đi có đường về có đích. Ngày nào còn ở thế gian này là thời gian ta niệm Phật cầu vãng sanh. Thời điểm xả bỏ báo thân là lúc ta đi vãng sanh, đây chính là cơ hội ta liệng được cái báo thân tệ hại này, để trở về Tây-Phương Cực-Lạc nhận lấy thân “Kim Cang Bất Hoại” của một vị Bồ-Tát bất thoái, rồi ta thành Phật. Tuyệt vời vô cùng.
Do đó, nếu là người muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì không nên giấu giếm gì cả, mà cần phải báo rõ bệnh tình cho họ biết để chuẩn bị tất cả những gì cần phải làm để được vãng sanh. Nói chung, những thứ cần phải chuẩn bị không gì khác hơn ngoài ba món tư lương: Củng cố niềm tin vững vàng, ngày đêm niệm Phật không rời và cầu xin A-Di-Đà Phật lai nghênh tiếp dẫn. Tạo điều kiện thuận lợi cho người đó thực hiện Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ, họ sẽ vãng sanh bất khả tư nghì. Một người phàm phu, rời bỏ cảnh giới phàm phu để đi làm Phật. Thật bất khả tư nghì!…
(e): Gia đình chăm sóc cẩn thận, giúp người bệnh thoải mái và có sức để niệm Phật cầu vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đúng quá rồi. Xin nhắc lại rằng, ngày giờ xả bỏ báo thân đã có sẵn, xin chư vị đừng quá lo âu. Nhiều người ngày đêm muốn vãng sanh mà chưa được vãng sanh là tại vì họ còn thời hạn thọ nhận cái thân nghiệp báo này. Thân nghiệp báo này nó có định kỳ, một người bình thường không có cách nào đi sớm hơn hay trễ hơn được. Đừng nên nghĩ rằng người bác sĩ này tài ba cứu người thoát chết. Thực sự chưa chính xác lắm đâu, vì vấn đề sống chết còn chi phối bởi mệnh số. Chúng ta có thể nói, người bác sĩ này giỏi về phẫu thuật, vị đông y kia chẩn mạch bốc thuốc rất hay, vị lương y nọ có phương pháp gia truyền có thể chữa trị được nhiều căn bệnh ngặt nghèo một cách thần kỳ… thì đúng hơn. Các vị đó có thể giúp chữa lành một số căn bệnh, giúp cho bệnh nhân rút ngắn phần đau đớn bởi bệnh khổ. Còn thời hạn sống chết của báo thân này có định kỳ. Do phước báu và nghiệp chướng khác nhau, nên có người ra đi trong sự hành hạ đau đớn của bệnh khổ, có người bỗng chốc chết đi một cách bất ngờ, không có bệnh hoạn khổ đau gì cả. Có nhiều người già cả bệnh hoạn, yếu đuối, ai cũng nghĩ họ không còn sống lâu được nữa, nhưng không ngờ họ vẫn sống thêm đến mấy mươi năm. Có người hoàn toàn đang khỏe mạnh, sáng còn đi làm thì chiều lại có tin báo chết rồi, v.v… Số phần đã đến, không ai có thể ngờ trước được.
Cho nên, chúng ta cần nên tập tánh tự tại trước vấn đề tử sanh mới hay, đừng sợ chết. Đây chính là yếu tố tinh thần rất quan trọng của người muốn vãng sanh.
Còn có nhiều người quá sốt sắng, muốn vãng sanh quá nên tìm cách kiêng ăn bỏ uống để vãng sanh sớm… Đây là sự suy nghĩ thiếu sáng suốt, tự mình làm cho sức khỏe suy kiệt, thân thể hao mòn mà chịu nhiều khổ sở một cách vô ích. Nếu phải bị đói khát mà chết, thì sự chết này thuộc về “Bạo Tử”, hay còn gọi là “Bất Đắc Kỳ Tử”, nghĩa là chết vì ách nạn không bình thường, chứ không thể vãng sanh được. Xin đừng bao giờ tính chuyện tự tử nhé. Đây là một ý niệm sai lầm, không đúng chánh pháp, tự dẫn độ mình vào tình huống khổ đau vô cùng tệ hại, thảm thương hơn, chứ không giải quyết được gì cả.
Chăm sóc người bệnh cẩn thận, cho ăn uống đầy đủ, thuốc thang, tập thể dục, v.v… để trợ lực cho sức khỏe được tốt. Động viên tinh thần người bệnh mạnh mẽ lên, giúp họ thoải mái, vui tươi, khuyên nhắc niệm Phật chờ ngày vãng sanh mới đúng pháp. Đừng nằm chèo queo chịu khổ, để chờ chết. Hoàn toàn không có chánh pháp nào dạy vậy đâu.
(f): Gấp rút mời Ban Hộ Niệm đến trợ niệm khai thị, điều giải oan gia trái chủ, hóa giải chướng nạn.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Chắc chắn đúng rồi. Có những ban hộ niệm thường chỉ nhận hộ niệm cho những người còn tỉnh táo. Ít có ban hộ niệm nào mạnh dạn nhận hộ niệm cho những người đã bị mê man bất tỉnh. Người bệnh đã đến giai đoạn mê man bất tỉnh, thì xin thưa rằng, rất khó thể cứu vãn được. Hộ niệm cho 100 người mê man bất tỉnh, chưa chắc tìm ra một người được thành công.
Cho nên tỉnh táo là vấn đề quan trọng vô cùng. Ngài Tịnh Không đưa ra 3 điều kiện để cho người bệnh được hộ niệm vãng sanh. Đầu tiên là người đó lúc lâm chung phải tỉnh táo. Thứ hai, người đó gặp được thiện hữu tri thức tới khai thị, giảng giải hướng dẫn đường về Tây-Phương Cực-Lạc. Thứ ba, người đó nghe sự hướng dẫn liền phát khởi tín tâm tin tưởng vững vàng niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Ba điều kiện này đầy đủ mới được vãng sanh. Trạng thái tỉnh táo là điều vô cùng quan trọng. Không tỉnh táo coi như mất tất cả rồi vậy.
Tỉnh táo là do phước đức của người tu hành. Chúng ta nên cố gắng tạo phước cho nhiều lên. Xin thưa quý vị, nhiều ngày tháng qua Diệu Âm ngồi ở ngoài vườn kia lầm lũi làm những công trình như chư vị thấy đó, là đang công quả tạo phước đấy. Tại vì cái Niệm Phật Đường này Diệu Âm đã coi nó không phải là của Diệu Âm, khi Diệu Âm vãng sanh rồi thì giao tất cả lại cho đại chúng, người nào có duyên hãy lấy phương tiện này mà tu hành niệm Phật, chứ Diệu Âm không giữ làm của cải riêng tư đâu. Muốn cho đại chúng tới đây niệm Phật có chút ít niềm hoan hỉ, nên Diệu Âm ráng làm để cúng dường cho đại chúng vậy. Tâm này là tâm làm phước, hãy lẳng lặng mà làm. Ví dụ như bác sĩ Phi bỏ tiền ra làm trang web về hộ niệm là một cách tu bố thí đấy. Dùng tiền bạc để làm tức là bố thí tài. Trang web đưa Pháp Hộ-Niệm cho đại chúng biết đó là tu bố thí Pháp. Pháp Hộ-Niệm loan truyền ra thì giúp cho nhiều người khi lâm chung được an vui tự tại vãng sanh, không còn sợ hãi, không khủng bố nữa, đó là bố thí vô úy. Một là ba, ba là một. Chân thành làm một việc, vô tình đã hoàn thành cả ba thứ bố thí. In kinh, ấn tống pháp, cúng dường, phóng sanh, v.v… nếu chân thành làm đều đạt được sự viên mãn ba loại bố thí cả. Cho nên, một người chân chánh tu hành, tu một pháp là tu tất cả, gọi là “Nhất giả, nhất thiết dã”. Còn những người không biết tu thì khó khăn lắm, khó đủ mọi cách. Vậy thì, an nhiên tự tại vãng sanh hay bị mê man bất tỉnh để bị đọa lạc đều do ở chỗ có chân thật tu hành hay không vậy. Do đó, “Gấp rút mời ban hộ niệm đến hộ niệm…” là đúng, vì chỉ có mời sớm trong lúc người đó còn tỉnh táo thì mới hộ niệm được. Chứ chờ đến lúc đã bị mê man bất tỉnh thì ban hộ niệm không cách nào có thể khai thị hướng dẫn cho một người mà các căn đã hết hoạt động. Mong chư vị phải nhớ, đừng để quá trễ!…
(d): Thân quyến cần cộng tác chặt chẽ với ban hộ niệm thực hiện đúng quy luật trợ niệm, giúp cho người bệnh giữ vững Tín-Nguyện-Hạnh mà vãng sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Thân quyến chính là gia đình. Gia đình cần làm những gì đây? Đã mời ban hộ niệm thì cần tôn trọng và lắng nghe ban hộ niệm hướng dẫn. Có nhiều người mời ban hộ niệm đến, nhưng không chịu làm theo sự hướng dẫn của ban hộ niệm, trong khi chính mình thì không biết gì về hộ niệm cả. Không có lòng thành kính thì cuộc hộ niệm phải bị thất bại thôi.
Gia đình đóng một vai trò rất lớn trong việc hộ niệm cho người thân của họ. Những gia đình biết nghe lời và làm đúng theo sự hướng dẫn của ban hộ niệm, thường thuờng người bệnh ra đi lưu lại tướng lành bất khả tư nghì. Có nhiều người, mặc dầu chưa biết tu hành gì nhiều, nhưng khi gặp được Pháp Hộ-Niệm rồi, họ quyết làm đúng nguyên tắc, đúng quy luật trợ niệm đưa đến kết quả người thân của họ được vãng sanh bất khả tư nghì. Ví dụ, bác Quảng Chương ở đây, là một người Thiên Chúa Giáo, chị Hoa là người Thiên Chúa Giáo thuần thành, chị thường tới Niệm Phật Đường làm công quả, quét dọn, tưới cây… những vẫn còn đeo dấu Thánh Giá trong người. Chủ Nhật chị đến nhà thờ làm lễ, nhưng hàng ngày chị lại quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh. Kinh A-Di-Đà chị đã thuộc lòng. Chính chị Hoa và gia đình đã quyết tâm hộ niệm nên cứu được anh Quảng Chương thoát qua ách nạn, lưu lại tướng lành. Rõ ràng Pháp Niệm-Phật có thể cứu độ tất cả chúng sanh, không phân biệt tôn giáo, văn hóa, già trẻ gì cả.
Năm trước, một vị ở tây Úc cũng thuộc gia đình Thiên Chúa Giáo thuần thành, nhưng sau cùng người bệnh tin tưởng niệm Phật cầu vãng sanh, gia đình quyết lòng hỗ trợ, thành khẩn niệm Phật hộ niệm, cũng tạo được thành quả bất khả tư nghì.
Pháp Hộ-Niệm thực sự là đại cứu tinh. Nhờ hộ niệm giúp cho hàng phàm phu như chúng ta khi xả bỏ báo thân gìn giữ trọn vẹn được Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ mà được vãng sanh. Nếu không có hộ niệm thì dù có tu hành, nhưng cuối cùng cũng khó thực hiện được chính xác pháp tu, thành ra bao nhiêu công phu tu tập đành phải trở thành lãng phí. Thực sự, nhờ sự hướng dẫn của người hộ niệm, mà ở giai đoạn cận tử nghiệp người bệnh thực hiện đầy đủ tông chỉ của Pháp Niệm-Phật nên được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc vậy.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.